Dân Việt

Ngành nông nghiệp muốn lập hai Tập đoàn lương thực

06/07/2010 07:40 GMT+7
(Dân Việt) - Đề xuất thành lập các Tập đoàn Lương thực hiện vẫn còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. NTNN đã trao đổi với ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp.
 img
Nếu được thành lập, các Tập đoàn Lương thực sẽ chú trọng hơn về vấn đề tiêu thụ nội địa.

Thưa ông, được biết trong Đề án "Phân phối lương thực" đang được các bộ, ngành xây dựng đã có ý tưởng thành lập các Tập đoàn Lương thực. Xuất phát từ đâu, chúng ta phải thành lập các tập đoàn này?

- Riêng đối với ngành lương thực, Bộ NN&PTNT đang rất muốn thành lập 1-2 tập đoàn. Nước ta là nước nông nghiệp, hàng năm sản xuất ra tới hơn 40 triệu tấn lương thực, trong đó riêng lúa gạo đã chiếm đến 38-39 triệu tấn và cũng đã dành ra tới 10 triệu tấn lúa hàng năm để xuất khẩu, còn lại 30 triệu tấn để tiêu thụ nội địa. Hiện người dân cũng thay đổi quan điểm sản xuất, nếu trước đây người dân sản xuất lương thực chỉ để trữ rồi ăn, nay nông dân sản xuất ra lúa gạo vừa bán ra, rồi lại mua về ăn.

Vấn đề đặt ra bây giờ là phải chú trọng đến thị trường nội địa, vì từ trước tới nay chúng ta toàn chỉ tập trung vào xuất khẩu, cho nên mỗi khi trong nước xảy ra sự cố như thiên tai, mất mùa hay biến động về giá, chúng ta đều rất lúng túng. Khi thành lập tập đoàn, vấn đề tiêu thụ nội địa sẽ được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi đã thành lập Tập đoàn Lương thực, tập đoàn đó phải hội tụ đủ điều kiện để chi phối được quy trình sản xuất từ trồng trọt cho đến thu hoạch, sơ chế, đặc biệt là có sự hỗ trợ nông dân. Vậy các Tập đoàn Lương thực ra đời liệu có đủ sức thực hiện những yêu cầu này?

- Hiện các Tổng công ty lương thực mới chỉ thực hiện các khâu thu mua, chế biến và xuất khẩu, còn công đoạn trồng trọt thì chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn. Bởi như Tập đoàn Công nghiệp Cao su và Tổng công ty Cà phê Việt Nam cũng đang thực hiện công đoạn này, nhưng chỉ có cao su là thành công, còn cà phê thì chưa. Do đó, việc này cần phải có sự tổng kết lại, việc thành lập, tổ chức lại TĐ là chủ trương rất lớn, mô hình sẽ như thế nào, nên cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Nói ngắn gọn, đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được kế hoạch, chiến lược như thế nào để có thể hình dung một “bộ khung" cho các Tập đoàn Lương thực trong tương lai?

-Theo tôi, đối với lương thực, tốt nhất là các tập đoàn phải có sự liên kết chặt chẽ với người sản xuất, còn bây giờ bảo Tập đoàn Lương thực cũng phải đảm bảo việc trồng trọt, đầu tư từ ban đầu là khó. Lý do, hầu hết đất đai đã được giao ổn định lâu dài cho nông dân, tập đoàn lấy đất ở đâu để sản xuất, trong khi chức năng chính của họ vẫn là đi thu mua, chế biến là chính.

Xin cảm ơn ông!

img Tôi thấy việc thành lập Tập đoàn Lương thực lúc này không phải là hay. Chúng ta phải xem xét kỹ, nếu cần một doanh nghiệp lớn mạnh, kinh doanh “ra tấm ra món”, một doanh nghiệp có sức mạnh trên thương trường, có thể cạnh tranh được trên trường quốc tế thì chúng ta mới cần thành lập tập đoàn. Với thị trường lúa gạo hiện nay, không cần tập đoàn thì chúng ta cũng đã đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. img

Ông Nguyễn Đình Tài - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn quản lý và đào tạo doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT)

img Hiện nay cơ chế điều hành xuất nhập khẩu gạo vẫn chưa hoàn thành làm cơ sở cho mọi thành phần doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập gạo một các hiệu quả, bài bản, do vậy đề xuất thành lập Tập đoàn Lương thực cũng còn phải cân nhắc. Không có cơ chế này thì thành lập tập đoàn hay không cũng thế thôi, thị trường lúa gạo vẫn khó mà được kinh doanh hiệu quả. img

                                                          Ông Nguyễn Đăng Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)