Ông Phạm Trung Cang tưởng chừng đã may mắn thoát khỏi vụ lùm xùm bầu Kiên nhưng nay lại bị điều tra lại với vai trò là đồng phạm.
TAND TP Hà Nội vừa mới quyết định trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo đó, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm bị truy tố về tội "kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo trốn chiếm đoạt tài sản và trốn thuế".
Ông Phạm Trung Cang.
TAND TP Hà Nội kiến nghị Viện KSND TP Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) và 4 người khác về hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại 718,908 tỷ đồng.
Sự kiện này với dư luận là một bất ngờ, bởi ông Cang từng được coi là "đại gia" may mắn đã thoát khỏi vụ lùm xùm đầy tai tiếng này. Trước đó, ngày 12.12.2013, Ông Cang đã được Viện KSND tối cao quyết định đình chỉ vụ án đối với với trò bị can của ông. Lý do là, ngày 22.3.2010, ông Cang có tham gia cuộc họp của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đề ra chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngày 31.12.2010, ông Cang có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB và đã được ngân hàng chấp nhận. Vì vậy, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,908 tỷ đồng.
Sinh năm Giáp Ngọ 1954, quê gốc Long An, ông Phạm Trung Cang là cử nhân kinh tế thương nghiệp, ĐH Kinh tế quốc dân. Ông Cang là người khá kín tiếng, ít phát ngôn gây sốc và có một sự nghiệp trắc trở với nhiều lần trắng tay.
Năm 25 tuổi, ông Cang từng đảm nhận vị trí thư ký cho Phó chủ tịch UBND quận 3 (TP HCM). Nhưng với năng khiếu kinh doanh vốn có cùng niềm đam mê lớn, ông Cang tìm cách cải thiện thu nhập bằng việc nhận gia công hấp vỏ xe đạp, sau đó chính thức bỏ nghề thư ký để mở cơ sở sản xuất vỏ xe đạp của riêng mình. Tuy nhiên, do mua phải nguyên liệu chất lượng kém, trong lần kinh doanh đầu tiên ông đã nếm trải mùi vị của cay đắng khi mất không khối tài sản 100 lượng vàng cùng thương hiệu vỏ xe "Cao su Việt Nam".
Không dừng lại ở đó, máu kinh doanh luôn tiềm ẩn trong con người này, ông Cang tiếp tục sự nghiệp kinh doanh với sản phẩm bao nhựa tái sinh. Khi việc làm ăn đang thuận lợi thì trận hỏa hoạn năm 1984 đã thiêu rụi hoàn toàn cơ ngơi mà ông cất công xây dựng. Năm 30 tuổi, đối mặt với việc đối tác chia tay, Nhà nước thu lại mặt bằng sản xuất, nhà xưởng chỉ còn trơ lại sườn máy, ông Cang lại một lần nữa đứng dậy trong khó khăn.
Đến năm 1993, khi thương hiệu đã vững vàng, ông Cang giao lại cơ nghiệp cho em trai và đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc tại Ngân hàng ACB. Đến cuối năm 2010, ông từ nhiệm vị trí trong HĐQT Ngân hàng ACB để nắm ghế tại Ngân hàng Eximbank.
Khi đó, ông Cang vẫn có chân trong ban lãnh đạo Công ty nhựa Tân Đại Hưng. Tháng 6.2012, hai tháng sau khi chính thức nắm ghế Chủ tịch của Tân Đại Hưng (TPC) nhiệm kỳ 2012 - 2016, ông Cang nắm 15,55% cổ phần tại TPC và 1,46 triệu cổ phiếu của Eximbank và là Chủ tịch Công ty cổ phần Du lịch Chợ Lớn.
Thế nhưng, sau sự cố bầu Kiên không lâu, cùng với những lãnh đạo trụ cột của ngân hàng Á Châu, ông Cang khi đó là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank đã bất ngờ có đơn từ chức. Trong lá đơn viết bằng tay, ông Cang nêu lý do từ nhiệm là việc riêng cá nhân, và được HĐQT ngân hàng đồng thuận, trước khi tin đồn vị này bị bắt do liên quan đến vụ án bầu Kiên lan rộng trong giới tài chính.
Trả lời phỏng vấn ngay sau tin đồn bị bắt, ông Cang khẳng định: "Tính đến thời điểm này (ngày 20.9.2013) thì tôi vẫn bình thường".