Mặt khác, sự kỳ vọng của thị trường vào các bảng báo cáo kết quả kinh doanh quý hai của các doanh nghiệp cũng giúp sức mua tăng cao, đẩy nhiều cổ phiếu phục hồi khá ấn tượng. Chỉ số S&P 500 có lúc tăng đến 2% vào đầu phiên.
Giới đầu tư quốc tế đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý hai của các công ty |
Tuy nhiên, đà tăng đã hạ nhiệt vào những phút cuối sau khi Viện Quản lý nguồn cung công bố kết quả tăng trưởng tháng Sáu của ngành công nghiệp dịch vụ chỉ đạt 53.8 so với mức 55.4 của tháng Năm, đồng thời thấp hơn mức dự đoán của các chuyên gia là 55.0.
Chỉ số S&P 500 chốt phiên tăng 0,5% lên 1.028,06 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% lên 9.743,62 điểm. Tuần rồi, S&P 500 đã giảm 5% sau khi các thống kê mới nhất cho thấy tình hình sản xuất tăng trưởng chậm và doanh số bán nhà đã qua sử dụng bất ngờ giảm mạnh.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng phục hồi mạnh nhất trong năm tuần, kết thúc chuỗi ngày mất điểm dài nhất trong năm. Nhóm cổ phiếu tài chính trong khu vực cũng tăng mạnh sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, Christian Noyer, nhận định các ngân hàng của Pháp có thể sẽ vượt qua cuộc kiểm tra về khả năng tài chính. Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu chốt phiên tăng 2,6% lên 242,76 điểm.
Chứng khoán châu Á chốt phiên chiều ngày 6-7 cũng phục hồi mạnh nhất trong hai tuần, với chỉ số MSCI của khu vực tăng 1,4% lên 113,44 điểm. Điểm qua một số thị trường chính trong khu vực có: chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,3%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 0,8%, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,9%.
Thúy Yên