Trong đó, tỉnh Nam Định làm 3 mô hình điểm đều liên quan tới nghề nông nghiệp là dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản ở xã Mỹ Tiến, xã Nam Vân (huyện Mỹ Lộc) và nghề trồng, chăm sóc cây cảnh ở xã Yên Phúc (huyện Ý Yên). Các tỉnh khác đều có mô hình điểm dạy nghề nông nghiệp như: Hải Phòng dạy nghề chăn nuôi gia cầm; Quảng Ninh dạy nghề kỹ thuật nuôi cá; Lạng Sơn dạy nghề trồng nấm; Lai Châu dạy nghề chăm sóc cây cao su; Quảng Trị dạy nghề trồng và sơ chế sắn; Long An dạy nghề nuôi cá lóc…
Bên cạnh dạy nghề nông nghiệp, một số tỉnh cũng chọn hướng dạy nghề để phát triển các làng nghề truyền thống như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh… Hiện, mô hình điểm đang thực hiện là phát triển nghề chạm bạc ở Đồng Xâm (Thái Bình) và nghề vẽ tranh ở xã Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội).
Theo đánh giá của Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định 1956 về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020", các nghề nông nghiệp, nghề truyền thống làm điểm nói trên đều gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Việc tổ chức lớp học nghề đã gắn với tạo việc làm và phát triển vùng sản xuất chuyên canh, tăng thu nhập cho người dân.
Mỹ Hạnh