Ông Nguyễn Xuân Hiên. |
NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hiên - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về mô hình này.
Ông Hiên cho biết: Vừa qua, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát trên diện rộng tại nhiều địa phương, cho thấy việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản đã trở nên rất cấp thiết. Đầu ra cho nông sản hiện không thông suốt, có quá nhiều kênh mà lại không hiệu quả. Trong khi đó, nhiều mô hình Hợp tác xã nông nghiệp ra đời đã giúp nông dân tiêu thụ nông sản rất tốt. Chúng tôi đã xây dựng đề án để tạo điều kiện cho các hợp tác xã này làm tốt hơn và qua đó, nhân rộng các kênh tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp hiệu quả cho nông dân.
Nhưng trên thực tế, không phải hợp tác xã nào cũng đảm đương được vai trò này?
- Đúng là như vậy. Một số mô hình tốt mà chúng tôi nghiên cứu là mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân. Với mô hình này nông dân có hợp đồng cam kết thông qua hợp tác xã để đưa sản phẩm đến tay doanh nghiệp. Tương tự, mô hình Liên hiệp hợp tác xã - hợp tác xã - hộ nông dân; hộ nông dân - hợp tác xã - thị trường... Đây là những mô hình đã giải quyết “đầu ra” cho các hộ nông dân khá tốt. Với các hợp tác xã làm dịch vụ “đầu vào” thì đa số các hợp tác xã bây giờ làm theo cách là mua vật tư, phân bón của doanh nghiệp rồi bán trực tiếp cho hộ nông dân và bán trả chậm.
Cung ứng vật tư qua hợp tác xã sẽ giảm bớt chi phí trung gian. |
Sau khảo sát, dự án này sẽ triển khai mô hình nào, thưa ông?
- Chúng tôi đang kiến nghị xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp thông qua Liên hiệp hợp tác xã - hợp tác xã - hộ nông dân. Lý do đây là mô hình thành công của hầu hết các nước trên thế giới. Các hợp tác xã liên kết thành liên hiệp sẽ mạnh hơn là từng hợp tác xã nên việc liên kết với các hợp tác xã nhỏ lẻ và hộ nông dân sẽ tạo thành kênh cung ứng tốt hơn và chuyên nghiệp hơn. Theo kinh nghiệm thành công của các nước thì Liên hiệp hợp tác xã đều có thể xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp đó ra nước ngoài. Bộ Công Thương đề xuất mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ kinh doanh, nông dân. Có thể chúng tôi sẽ thí điểm cả hai mô hình này.
Những sản phẩm nông nghiệp nào sẽ đưa vào tiêu thụ qua hợp tác xã?
- Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để lựa chọn thí điểm ở một số sản phẩm nông sản hàng hoá lớn để có thể xuất khẩu ra thị trường. Việc lựa chọn sản phẩm để thí điểm phải có sự bàn bạc với các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp để đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của nông dân.
Nếu triển khai như vậy thì cũng không có nhiều sự khác biệt với các mô hình “liên kết 4 nhà”, “bao tiêu nông sản hàng hoá cho nông dân thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã” đã và đang triển khai không mấy hiệu quả hiện nay...?
- Đúng là các mô hình thí điểm của đề án này không mới nhưng điểm mới là chúng tôi sẽ xây dựng nó thành các kênh cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm ổn định cho các hộ nông dân, phù hợp với yêu cầu của các hộ nông dân chứ không phải làm thụ động như các mô hình hiện nay. Các Liên hiệp hợp tác xã sẽ phải đảm bảo cung ứng hàng hoá chất lượng cao, giá ổn định cho nông dân và phải thành một “kênh” ổn định chứ không phải nhất thời.
Vậy bản thân các hợp tác xã phải thay đổi cách làm?
- Đúng vậy. Các hợp tác xã làm theo mô hình phải là các hợp tác xã đích thực, mang lại lợi ích cho hộ nông dân chứ không chỉ đặt lợi nhuận của mình là trên hết như hiện nay. Dự án của chúng tôi sẽ hướng các hợp tác xã thực hiện theo phương châm vì các xã viên, đem lại lợi ích cho xã viên. Bản thân nông dân cũng phải thay đổi tư duy và gắn bó với các hợp tác xã hơn. Sự liên kết chắc chắn sẽ mang lại kết quả là giá vật tư sẽ rẻ hơn, chất lượng hơn so với bên ngoài và thu mua sản phẩm cũng ổn định hơn.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)