Chịu thiệt hại lớn nhất là người dân thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, nơi có sông Bồ trải dài gần 3km. Trước đây, tận dụng dòng chảy cộng với nguồn rong rêu thủy sinh phong phú của sông, người dân đồng loạt nuôi cá trắm cỏ bằng lồng.
Cá lồng của gia đình ông Phạm Công Hiệp bị chết hàng loạt do nước sông Bồ ô nhiễm nặng. |
Chi phí đầu tư nuôi cá trắm bằng lồng khá thấp, mỗi lồng cá chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng xây dựng, cộng với số tiền 1,5 triệu đồng để mua đàn cá giống 500 con thả nuôi. Với đặc điểm dễ thích nghi nên cá trắm cỏ nuôi bằng lồng ở đây phát triển rất tốt, mỗi lồng cho thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/năm. Do đó, từ chỗ chỉ có một vài hộ dân thả nuôi lẻ tẻ, dần dần thôn Phước Yên đã có hơn 100 hộ nuôi, trong đó có hộ nuôi 2-3 lồng.
Tuy nhiên chỉ sau vài năm ăn nên làm ra, người nuôi cá lồng ở đây đã gặp những khó khăn lớn. Đáng kể nhất là việc nguồn nước sông Bồ ngày càng bị ô nhiễm, nguồn thực vật thủy sinh cạn kiệt, cá giống và kể cả cá đã trưởng thành bị chết số lượng lớn sau khi được thả nuôi.
Ông Nguyễn Công Hiệp (thôn Phước Yên) - chủ của 2 lồng cá, cho biết: “Đầu mỗi vụ nuôi, gia đình tôi thả vào mỗi lồng 500 con cá giống, nhưng đến vụ thu hoạch chỉ xuất được khoảng hơn trăm con trưởng thành, số còn lại đều đã bị chết”. Một số hộ dân khác cho biết, họ thả nuôi cá đến gần 2 năm mới có thể xuất lồng đem bán nhưng phần lớn số cá xuất lồng vẫn trong tình trạng còi cọc.
Theo người dân thôn Phước Yên, nguyên nhân chính khiến sông Bồ ô nhiễm nặng do nạn khai thác cát sạn trái phép đã và đang hoành hành ở thượng nguồn sông, đoạn qua huyện Phong Điền. Hoạt động này khiến dòng chảy của sông Bồ bị chậm lại, khiến chất thải trong lồng cá không trôi đi hết, các sinh vật phù du cũng dần cạn kiệt.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Phụ Phú - Trưởng thôn Phước Yên, cho biết, hằng năm, chính quyền địa phương và Trung tâm Khuyến nông- ngư huyện Quảng Điền đều mở lớp tập huấn nuôi cá lồng cho người dân trên địa bàn. Người dân được tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho cá.
Theo ông Phú, việc tập huấn vẫn chỉ mang tính lý thuyết, trong khi điều người dân cần là có một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng môi trường nước sông Bồ thay đổi nhằm đảm bảo nghề nuôi cá lồng của người dân phát triển bền vững. “Nếu tình trạng môi trường nước sông Bồ còn ô nhiễm kéo dài thì người dân sẽ khó lòng bám trụ với nghề nuôi cá lồng từng giúp họ ăn nên làm ra”- ông Phú nói.
Anh Tuấn - An Sơn