Dân Việt

Kỷ luật cán bộ nếu sai, trễ hẹn: Dân phấn khởi

21/06/2012 07:32 GMT+7
(Dân Việt) - Như Dân Việt đã thông tin, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 4503 quy định thống nhất việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC).

Theo quyết định này, thành phố sẽ kỷ luật hoặc buộc công chức xin lỗi công dân bằng văn bản nếu có sai sót hoặc trễ hẹn trả kết quả từ 2 lần trở lên...

Dân tiện, công chức nhẹ nhàng

Anh Nguyễn Nam Hòa (43 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) phấn khởi: Với quyết định 4503, tôi thấy cách giải quyết thủ tục hành chính của Đà Nẵng sẽ được cởi mở và thuận tiện hơn cho người dân. Tới đây, tôi sẽ đi làm chế độ người có công cho bố tôi tại quận Thanh Khê. Với quyết định mới, tôi hy vọng tình trạng nhiêu khê, hẹn lần hẹn lữa như những lần trước sẽ chấm dứt.

img
Giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan một cửa liên thông ở quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh chụp ngày 19.6.

Còn bà Đinh Thị Lựu (52 tuổi, trú phường Thạc Gián, quận Hải Châu) cho biết: Cách đây 2 ngày, tôi đi làm thủ tục đăng ký chứng nhận kinh doanh. Do hồ sơ của tôi chưa đủ, sáng nay tôi đã nhận lại được hồ sơ kèm theo văn bản của lãnh đạo phòng “một cửa” của quận. Trong đó có ghi lý do vì sao hồ sơ của tôi bị trả lại và ghi rõ những thủ tục tôi còn thiếu cần bổ sung. Cách ứng xử như vậy của cán bộ phòng “một cửa”, tôi cho là lịch sự, chu đáo, tiện lợi cho người dân. Quyết định 4503 rõ ràng là rất có hiệu quả.

Ông Lê Văn Nhượng (cán bộ hưu trí, quận Thanh Khê) cho biết, Quyết định 4503 không chỉ giúp người dân thuận lợi, thoải mái khi đi giải quyết giấy tờ mà còn giúp cho công chức giải quyết giấy tờ đỡ mệt nhọc, làm việc có khoa học hơn, có niềm vui trong công việc hơn.

“TP.Đà Nẵng hiện có 93.000 người được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trong số này có những trường hợp đã được hưởng chế độ chính sách và có những trường hợp đang tiếp tục làm thủ tục để hưởng chế độ chính sách người có công. Quyết định 4503 sẽ giúp giải quyết nhanh nhẹn, rốt ráo, nhân văn về chế độ chính sách cho những đối tượng này” - ông Thái Đinh Hoàng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Đà Nẵng, cho biết.

Có tính khả thi cao

Theo bà Võ Thị Như Hoa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, Quyết định 4503 quy định thống nhất việc thực hiện các cơ chế về giải quyết thủ tục hành chính cho tất cả cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn thay vì quy định riêng cho từng nhóm cơ quan, đơn vị như trước đây. Ngoài ra quy định này cũng giải quyết được tình trạng các cơ quan, đơn vị lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất về quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục qua cửa trực tuyến mức 3-4 lâu nay.

“Ngoài ban hành Quyết định 4503, từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ phấn đấu xây dựng bộ máy tư pháp độc lập, hiệu quả, bảo vệ công lý, bảo vệ nhân phẩm và tài sản của các tổ chức, công dân”.

Ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng, tính khả thi của quyết định này rất cao: “Hiện nay tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, nơi tiếp nhận và trả kết quả các hồ sơ của công dân đều đã có camera ở các góc. Như vậy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị có thể theo dõi được công chức của mình làm việc như thế nào. Chắc chắn Quyết định 4503 sẽ giảm thiểu tối đa các trường hợp sách nhiễu, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính của công dân”.

Ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng cho rằng: Quyết định 4503 là một bước phát triển của những quy định trước đó về cải cách thủ tục hành chính. Việc Đà Nẵng triển khai văn bản này là phấn đấu trở thành thành phố đáng sống nhất. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính là vấn đề đáng quan tâm.

Cũng theo ông Chiến, việc cán bộ công chức Đà Nẵng làm sai phải xin lỗi dân là chuyện không có gì là xấu hổ. Đây là một cử chỉ rất văn hóa mang truyền thống của người dân Việt Nam. Nói về các biện pháp chế tài trong quyết định này, ông Chiến tỏ ra rất cương quyết: “Các trường hợp cố tình lợi dụng quyền hạn để trục lợi trong khi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân chắc chắn bị xử lý thích đáng”.

Cách làm hay

"Các cơ quan, đơn vị hoặc công chức giải quyết hồ sơ có sai sót hoặc trễ hẹn trả kết quả từ 2 lần trở lên phải xin lỗi dân bằng văn bản". Đọc tin đó, tôi cảm thấy phấn khởi. Nếu ai làm sai mà cũng biết xin lỗi dân như cán bộ, công chức Đà Nẵng thì xã hội mình sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Theo tôi, đây là cách làm hay, tiến đến cần nhân rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nên giám sát chặt

Xin lỗi dân là việc phải làm nếu cán bộ làm sai, không đúng hẹn với dân. Sơ suất, thiếu sót là điều không thể tránh khỏi trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính, nhưng biết xin lỗi dân và khắc phục ngay sai sót là một ứng xử có văn hóa mà bất cứ một cán bộ, công chức nào cũng phải biết thực hiện. Đặt ra quy định là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là có cơ chế kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm túc.

Vũ Văn Tôn (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang): Sự cầu thị rất lớn

Theo tôi, trong việc giải quyết các thủ tục hồ sơ cho dân, vấn đề quan trọng nhất phải làm là rút ngắn thời gian đi lại cho dân; không để người dân phiền hà, ta thán vì thái độ quan liêu, cửa quyền của cán bộ. Cách làm của UBND TP.Đà Nẵng và UBND quận 1, TP. Hồ Chí Minh thể hiện sự cầu thị rất lớn.