Dân Việt

“Bỗng nhiên” mất phí dùng thẻ ATM

22/06/2012 06:42 GMT+7
(Dân Việt) - “17 giờ ngày 20.6, tôi phải thay đổi 2 cây ATM khác nhau mới rút được 2,5 triệu đồng tiền mặt. Dịch vụ kém như thế mà các ngân hàng vẫn tiến hành thu phí giao dịch ATM” – chị Mai Anh bức xúc.

Bỗng nhiên thu phí

Chị Anh, ở Hà Nội, cho hay lâu rồi chị không tự mình đi rút tiền từ thẻ ATM nên không biết các ngân hàng (NH) thu phí như thế nào. Chiều 20.6, chị giật mình khi biên lai ghi rõ “phí giao dịch 6.000 đồng” với lý do là phí rút tiền khác cây ATM.

“NH đã âm thầm thu phí, mình là dân thì phải chịu, nhưng yêu cầu NH đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ. Dịch vụ kém mà các NH tiến hành thu phí giao dịch ATM cả nội mạng lẫn ngoại mạng là điều cần xem xét lại” - chị Mai Anh bày tỏ quan điểm.

img
Chất lượng phục vụ của hệ thống ATM chưa làm hài lòng khách hàng.

Không thông báo trước với khách hàng, một số NH bỗng nhiên thu phí giao dịch ATM nội mạng, tăng phí rút ngoại mạng. Điều này đã khiến không ít khách hàng bất bình. Chẳng hạn, Vietcombank đã chính thức thu phí chuyển khoản giao dịch nội mạng 3.300 đồng/lần.

Techcombank cũng tăng phí rút tiền ngoại mạng từ 3.300 đồng lên gần 6.000 đồng/lần giao dịch. Phí đối với các giao dịch khác ngoài rút tiền, như kiểm tra số dư, chuyển khoản, in sao kê… tăng từ 1.650 đồng lên 3.300 đồng/lần.

Một số NH lớn khác như BIDV, Agribank cũng đã chính thức thu phí ATM cho mỗi lần giao dịch nội mạng.

Việc làm này tác động lớn nhất tới các đối tượng sinh viên và người lao động. Trao đổi với NTNN, nhiều người dân cho rằng, thu phí nội mạng là một thiệt thòi cho những người làm công nhận lương qua thẻ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Do vậy, xu hướng chung là sinh viên sẽ lựa chọn cách thức khác để nhận tiền gửi từ gia đình, còn người lao động vì bắt buộc phải trả qua tài khoản nên họ sẽ đến NH rút hết bằng tiền mặt một lần.

Bà Thái (65 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Lương hưu của tôi hơn 2,8 triệu đồng/tháng. Với mức phí 3.000 đồng, ai xem là nhỏ, chứ cánh hưu trí chúng tôi không thấy nhỏ”.

Thu phí để hoạt động tốt hơn!

Phần lớn các NH đều đưa ra lời giải thích: Họ bị lỗ khi kinh doanh thẻ. Đại diện ngân hàng B cho biết: “Chi phí cho một cây ATM là khá lớn, đơn cử như việc có một địa điểm đặt máy thuận tiện cho người rút tiền cũng phải trả tiền thuê đất. Mỗi tháng, NH buộc phải trả chi phí tới xấp xỉ 50 triệu đồng để vận hành, bảo dưỡng một máy ATM.

Ngoài ra để đảm bảo ATM hoạt động 24/24 giờ thì lượng “tiền chết” tại đây cũng lên tới cả tỷ đồng không sinh lời. NH không thể “miễn phí” mãi. “Thu phí rút tiền và chuyển khoản nội mạng là chuyện đặng chẳng đừng để các NH duy trì tốt hoạt động cũng như mở rộng đầu tư, nâng cấp dịch vụ” - vị đại diện nói.

Trung bình mỗi thẻ ATM luôn có số dư tối thiểu 50.000 đồng và NH được chủ động sử dụng. Một NH có đến hàng trăm ngàn cái thẻ, tiền này dư sức để bù vào việc bảo dưỡng.

Không đồng ý, thậm chí phản ứng mạnh vì lời trần tình của NH, chị Lâm (Cầu Giấy, Hà Nội), đang có người con học đại học ở TP. Hồ Chí Minh nói: Phải làm thẳng ra chuyện NH có được lãi không từ các khoản tiền cố định tại thẻ ATM?

Trung bình mỗi thẻ ATM luôn có số dư tối thiểu 50.000 đồng và NH được chủ động sử dụng. Một NH có đến hàng trăm ngàn cái thẻ, tiền này dư sức để bù vào việc bảo dưỡng.

Hiện nay, dịch vụ thẻ ATM đã đi vào cuộc sống và đã tới được nhiều đối tượng sử dụng. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn bị nhiều phiền phức vì sự cố từ máy ATM như mất tiền trong thẻ, máy ATM bị quá tải... Vì vậy, NH cần điều chỉnh lại mức thu như thế nào để hợp lý hơn và thuận lòng khách hàng.