Ngày 10.4, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án 554 phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 - 2012, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, đã có hơn 70% người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đề án đã tiến hành lựa chọn, khảo sát ở 26 tỉnh, thành phố, qua đó xác định được thực trạng và nhu cầu cần tìm hiểu các nội dung pháp luật, các hình thức thích hợp để phổ biến các nội dung pháp luật theo nhu cầu của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả, Đề án 554 đã xây dựng được 10 mô hình thí điểm thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn tại 10 xã thuộc các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Sóc Trăng…
Theo bà Nguyễn Thuý Hiền – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, hiện còn 28 tỉnh không phê duyệt đề án. “Trong thời gian tới, đề nghị các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cần tập trung triển khai phổ biến pháp luật, rà soát lại các chỉ tiêu; nghiên cứu, đổi mới cách làm, xác định rõ vị trí của từng cấp, từng ngành, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả của công tác này. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá xem có bao nhiêu đề án, triển khai đến đâu để báo cáo Thủ tướng” - bà Hiền nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chiếm vị trí quan trọng trong việc thực hiện luật pháp, nhất là đối với nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, với việc triển khai Đề án 554 từ năm 2009 đến nay, nơi nào thực hiện tuyên truyền pháp luật tốt thì khiếu kiện giảm; công tác phối hợp, lồng ghép thực hiện đề án bước đầu thực hiện tốt, huy động được nhiều nguồn lực, nhiều mô hình tốt đã được xây dựng… góp phần đưa pháp luật vào nền nếp hơn, tiến bộ hơn.
Theo Dự thảo Đề án 554 giai đoạn 2013-2016, dự kiến sẽ có tổng mức kinh phí là 76,6 tỷ đồng dành cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc.
Thanh Xuân