Dân Việt

"Nốt trầm" của tôi

11/07/2010 06:19 GMT+7
(Dân Việt) - Tôi từng là lính. Ngày hòa bình, còn sống trở về, vậy là mừng rồi. Hạnh phúc hơn, tôi có vợ, có quyền mơ về những đứa con. Thế nhưng...
img
Ông Niềm nghe con gái đánh đàn.

Khi những đứa con ra đời, chưa kịp vui, vợ chồng như chết lặng khi nhìn những hình hài queo quắt. 5 đứa con thì 2 đứa vội vã bỏ bố mẹ ra đi ngay khi còn thơ ấu. Những đứa sống còn tội nghiệp hơn, đứa thoát vị bẹn bẩm sinh không thể can thiệp bằng phẫu thuật, đứa mắc bệnh chưa có tên gọi - da bị lột như da rắn... Tôi là nguyên nhân của mọi bệnh tật mà các con gánh chịu. Tôi nhiễm chất độc da cam.

Con bé út (Hằng) mà tôi thương nhất, khi mới sinh trắng trẻo, bụ bẫm lắm. Nhưng chỉ mấy ngày sau, tóc trên đầu cháu rụng hết, da khô cứng lại, bong tróc từng mảng. Các ngón tay, ngón chân cứ quắt lại. Lớp da cũ chưa bong hết thì lớp mới trồi ra, tứa máu. Tôi đưa con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. "Đưa cháu về, đừng chạy chữa tốn kém" - bác sĩ ở đâu cũng nói như vậy.

Hằng lớn lên trong đau đớn. Mỗi một lần bong da, vợ chồng tôi lại một lần chết lặng nhìn con quằn quại. Càng lớn, Hằng càng ý thức được căn bệnh của mình, nó ít khóc hơn, nhưng từng vệt máu tứa ra trên thân thể con, đôi mắt đờ đẫn nhìn tôi sau mỗi lần bong da, tôi hiểu con của tôi không chỉ đau nỗi đau thể xác mà cả tâm hồn. Nó không đi học, không biết đến trường lớp, bạn bè, tôi bắt đầu dạy cho con những chữ cái đầu tiên khi nó 15 tuổi. Hai năm sau, cháu đọc thông viết thạo.

Một hôm, nó nhìn thấy các nhạc công trên ti vi chơi đàn oócgan, nó liền bảo: "Bọ mua cho con cây đàn như trên ti vi, con sẽ đàn cho bọ nghe". Nghĩ con mình bệnh tật, từng ngón tay cong queo hết, đánh đàn sao được. Nhưng thương con, tôi đi mua đàn cho nó. Ngày trong quân ngũ, tôi ở cùng đơn vị với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Lúc rảnh rỗi, anh Tạo đã dạy tôi chơi nhạc. Không ngờ nhờ đó mà bây giờ tôi biết nhạc lý để dạy cho con gái tôi.

Ngày lại ngày, đôi tay cong queo của con gái tôi rồi cũng nhanh nhẹ lướt trên phím đàn. Một hôm, sau khi cả nhà ăn tối xong, Hằng bảo, hôm nay có quà tặng cho cả nhà. Nó ngồi vào bàn, đôi bàn tay với từng ngón co quắp lướt nhẹ trên phím đàn và giai điệu của bài hát "Em là bông hồng nhỏ" vang lên chầm chậm trong tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ cháu. Tôi cũng đã khóc, giọt nước mắt của 18 năm chờ đợi sự trưởng thành của đứa con tật nguyền. Cũng từ đó, trong căn nhà nhiều nỗi buồn, ít niềm vui của chúng tôi, đã có một thứ âm thanh mới của cuộc sống...

Trước đây, có lúc vì chán nản, tôi chỉ biết tìm đến rượu, chìm vào những cơn say để quên mọi thứ. Công việc đồng áng bỏ bê. Từ ngày bé Hằng bảo tôi dạy học đàn và chứng kiến những cố gắng của con, tôi đã thay đổi. Ngoài 2 mẫu ruộng, gia đình nuôi thêm gà, lợn, trâu bò nên cũng có của ăn của để. Động lực thôi thúc vợ chồng tôi chính là bé Hằng. Đứa con tật nguyền này như một nốt trầm, mà nếu không có nó thì “bản nhạc” cuộc sống gia đình tôi sẽ vô cùng buồn thảm.

(57 tuổi, xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình)