Ông Phạm Phúc Toại. |
Ông Phạm Phúc Toại - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Long, giải thích: Hoạt động taxi, bất động sản, thị trường đã bão hòa, chúng tôi bắt buộc phải tìm hướng kinh doanh mới để phát triển. Xét thấy thủy sản là một ngành nghề không thể thiếu trong cuộc sống và xu hướng tiêu dùng hiện đại chúng tôi quyết định “nhảy” vào lĩnh vực này và đây sẽ là hoạt động kinh doanh tập trung nhất của tập đoàn trong hiện tại và 5 năm tới.
Chế biến cá basa xuất khẩu đã có các “đại gia” chiếm lĩnh thị trường với kinh nghiệm hàng chục năm, Hoàng Long sinh sau đẻ muộn thì làm sao cạnh tranh lại?
- Vì đi sau nên chúng tôi có thể rút kinh nghiệm từ các bậc đàn anh đi trước. Trong đó, yếu tố phát triển bền vững là yếu tố sống còn đầu tiên được ưu tiên đảm bảo. Điều đó đã được thể hiện rõ trong việc Hoàng Long cho xây dựng khu liên hợp khép kín gồm 3 nhà máy ở Đồng Tháp. Ở đó công tác quy hoạch - thiết kế - xây dựng được triển khai song song với việc thiết lập hệ thống các tiêu chí kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP của Mỹ ngay từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến thành phẩm, bảo đảm sản phẩm không chỉ ngon mà còn sạch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây chính là thương hiệu của Hoàng Long, là lợi thế cạnh tranh tốt nhất khi đem con cá đi chào hàng ở bất cứ đâu trên thế giới.
Hiện sản phẩm của Hoàng Long đã được xuất đi những nước nào?
- Từ cuối tháng 2 - 2010 đến nay chúng tôi xuất khẩu 1.100 tấn cá fillet đi các thị trường châu Âu, châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông… với tổng giá trị khoảng 2,5 triệu USD. Trong kế hoạch nâng cao chất lượng và phát triển, từ nay đến cuối năm, công ty sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng, tiến tới mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu năm nay là 20 triệu USD. Dự kiến năm 2011 công ty sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền chế biến cá tra fillet thứ 2, nâng tổng công suất nhà máy chế biến thủy sản lên 300 tấn nguyên liệu/ngày.
Chế biến cá basa xuất khẩu tại Công ty Chế biến thủy sản Hoàng Long. |
Đây là một con số không nhỏ, vậy Hoàng Long chuẩn bị nguồn cá nguyên liệu như thế nào trước thực trạng khan hiếm đã trở thành “kinh niên” như hiện nay do nông dân “treo ao” vì lỗ nặng?
- Đây cũng là lợi thế của việc “sinh sau”. Vì đã biết trước thực trạng này nên chúng tôi mới xây dựng nên vùng nuôi của riêng mình. Hiện khu nuôi trồng của chúng tôi đã đạt được 12,5ha mặt nước nuôi cá thịt và 24ha mặt nước nuôi cá giống. Trong giai đoạn II, vùng nuôi sẽ được mở rộng thêm 50ha nữa nhằm đảm bảo cung cấp ít nhất 70% nhu cầu nguyên liệu đầu vào của nhà máy đông lạnh. 30% còn lại chúng tôi sẽ hợp tác với nông dân trong vùng cung ứng.
Cụ thể chương trình hợp tác sẽ như thế nào, thưa ông?
- Nông dân sẽ nuôi gia công; những con cá đạt chất lượng thì chúng tôi sẽ thu mua với giá từ 3.000 – 3.200 đồng/kg. Tất nhiên chúng tôi sẽ cử kỹ thuật viên xuống hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng và phòng trừ dịch bệnh. Với mức giá này, sau khi trừ hết chi phí, nông dân sẽ còn lãi ròng ít nhất là 800 đồng/kg, thậm chí lên tới 1.500 đồng/kg. Đây cũng là một trong những yêu cầu của mục tiêu phát triển bền vững mà công ty phải đạt được.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Minh (thực hiện)