Dân Việt

Doanh nghiệp cầu cứu ngân hàng

13/07/2010 07:41 GMT+7
(Dân Việt) - Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, các doanh nghiệp ngành nông - lâm - thủy sản đều cho rằng họ đang rất thiếu vốn để kinh doanh và xuất khẩu.
 img
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Minh Dương (Bình Dương).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 6,32 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, nhóm nông - lâm - thủy sản đạt 6,58 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng tốt phần lớn đều là do giá xuất khẩu tăng, trừ cà phê.

Tuy nhiên, các ngành thủy sản, gỗ, điều đang đối mặt với việc thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng. Tôm, cá tăng giá, đơn hàng xuất khẩu nhiều mà doanh nghiệp lại không tìm được nguồn nguyên liệu chế biến. Các nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động 20 - 30% công suất.

img Mức hỗ trợ chúng tôi kiến nghị là ngân hàng giảm lãi suất xuống còn 10%. Nếu không chắc sẽ còn có nhiều doanh nghiệp gỗ bị phá sản, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. img

– ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM.

Ngành gỗ do việc khan hiếm nguyên liệu đã đẩy giá tăng lên hơn 15% nhưng cũng không tìm đủ nguồn cung ứng. Còn ngành điều trong năm 2009 đã phải nhập khẩu gần 250 nghìn tấn điều thô về chế biến xuất khẩu trong năm nay, con số này chỉ có tăng hơn chứ không giảm.

Ngành gạo, ngành cao su thì lại bị giảm nguồn xuất khẩu. Nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới trong quý 3 tiếp tục giảm do lượng tồn còn nhiều, dự báo giá xuất khẩu sẽ có nhiều khả năng xuống thấp nữa.

Ông Phạm Văn Công - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm giá điều bình quân đã tăng lên 5.313 USD/tấn, tăng 8% so với năm 2009. Dự đoán 6 tháng cuối năm, giá sẽ tăng thêm 14% nữa, do sản lượng điều năm nay trên thế giới giảm từ 20 – 30%. Và nguồn hàng của Việt Nam trong dân còn rất ít, chỉ khoảng 50.000 tấn.

“Để có thể đáp ứng đủ nguồn xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ngành điều cần nhập khẩu khoảng 300.000 tấn điều thô về chế biến. Tổng số tiền các doanh nghiệp điều cần để nhập khẩu và thu mua trong dân là 7.000 tỷ đồng, hiện chỉ có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của các ngân hàng cho vay với vốn ưu đãi” – ông Công kiến nghị.

Ông Nguyễn Công Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vinacafe phản ánh việc ngân hàng giải ngân chậm trong chương trình thu mua tạm trữ cà phê, làm doanh nghiệp thiệt hại gần 200 tỷ đồng.

Còn ông Trần Đức Tụng - Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồ tiêu vay vốn với mức lãi suất ưu đãi để “mua thời vụ, bán thời đại” – ông ví von.

Tương tự, ngành gỗ cũng cần vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để mua gỗ nguyên liệu về tạm trữ.

“Vì dự đoán đến tháng 10 giá sẽ còn tăng hơn nữa, chúng tôi cần nguồn vốn của để mua gỗ nguyên liệu tạm trữ ngay từ bây giờ. Mức hỗ trợ chúng tôi kiến nghị là ngân hàng giảm lãi suất xuống còn 10%. Nếu không chắc sẽ còn có nhiều doanh nghiệp gỗ bị phá sản, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ” – ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM nói.