Dân Việt

“Thiệt hại” hơn 500 tỷ đồng

13/07/2010 20:30 GMT+7
(Dân việt) - Chương trình thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê trong ba tháng, theo đánh giá của các chuyên gia là gần như phá sản khi số lượng cà phê các doanh nghiệp mua vào đạt chưa tới 10% chỉ tiêu.
 img
Chương trình mua tạm trữ cà phê không đạt hiệu quả như mong muốn.

Kể từ khi có chủ trương thu mua tạm trữ, giá cà phê trong nước nhờ đó đã tăng từ 23.000 đồng/kg lên 30.500 đồng/kg tính đến cuối tuần qua. Cứ ngỡ rằng với việc tăng giá ấn tượng như vậy, các doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ cà phê sẽ “hốt hàng”, cùng với bà con nông dân nhờ đó sẽ lời được một khoảng kha khá bù vào tình hình lỗ nặng vào thời điểm đầu năm. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Ngân hàng giải ngân quá chậm

Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), 3 tháng qua, các doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng 18.000 – 19.000 tấn cà phê, tức chưa đạt tới 10% chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân theo các doanh nghiệp do ngân hàng giải ngân quá chậm, làm mất thời cơ mua hàng vì đến khi các doanh nghiệp nhận được tiền thì các doanh nghiệp nước ngoài đã nhanh chân mua sạch hàng.

Ông Nguyễn Công Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), một trong những đơn vị được giao chỉ tiêu mua tạm trữ từ 90.000 – 100.000 tấn cà phê theo chương trình này, cho biết quyết định ra ngày 15-4, nhưng đến trung tuần tháng 6 doanh nghiệp mới được ngân hàng giải ngân.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Vicofa cho biết Vicofa đã tham vấn mua tạm trữ cà phê từ đầu niên vụ nhưng đến giữa tháng 4 Chính phủ mới duyệt, lúc đó đã là chậm. “Một thời gian dài giá cà phê ở mức 23.000 đồng/kg nên khi giá tăng lên tới mức 26.000 đồng/kg vào đầu tháng 6, nông dân đã bán ra ồ ạt, thiệt hại ước tính cả trăm tỷ đồng” – ông nói.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu mua đủ 200.000 tấn theo chủ trương thì chúng ta sẽ lời được 600 tỷ đồng. Nhưng nay mua chưa tới 10%, chúng ta đã mất 540 tỷ đồng vào tay các doanh nghiệp, giới đầu cơ nước ngoài” – ông Hoàng làm bài tính thiệt hại.

Nên có một ủy ban “phản ứng nhanh”

img Theo tính toán của chúng tôi, nếu mua đủ 200.000 tấn theo chủ trương thì chúng ta sẽ lời được 600 tỷ đồng. Nhưng nay mua chưa tới 10% là chúng ta đã mất 540 tỷ đồng vào tay các doanh nghiệp, giới đầu cơ nước ngoài img

Ông Nguyễn Công Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vinacafe

Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng việc chỉ cho một ngân hàng cho vay là gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đâu phải ai cũng có mối quan hệ sẵn với Ngân hàng NN&PTNT. Khi đó, họ phải làm lại toàn bộ hồ sơ xin vay với nhiều thủ tục phiền hà, thậm chí bị… bắt bí.

Ông Hoàng dẫn chứng: “Ngân hàng yêu cầu phải có 30% tài sản thế chấp. Nói thực nếu có được số vốn đó chúng tôi đâu cần phải vay nữa? Hoặc quy định rằng phải có chứng từ, hóa đơn giá trị gia tăng lượng hàng hóa cần mua mới cho vay. Chúng tôi cần tiền mới mua hàng được mà đòi giấy tờ kiểu đó thì có phải bắt bí nhau không? Chúng tôi phải mua trước các hợp đồng kỳ hạn tháng 7, tháng 9 trên sàn giao dịch cà phê thế giới, rồi cầm hợp đồng ngoại đó về cho ngân hàng, họ mới “du di” cho vay. Thủ tục cũng mất cả tháng”.

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2010 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt trả lời báo chí cũng đã khẳng định việc thu mua tạm trữ cà phê chậm trễ, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thu mua gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa cho rằng Chính phủ nên lập một Ủy ban điều phối để giải quyết ngay việc thu mua tạm trữ, tương tự Brazil. Nếu cứ phải đi xin ý kiến hiệp hội, các bộ, tỉnh rồi xin ý kiến Thủ tướng, sau mới tới ngân hàng giải ngân sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi giá cả cà phê lên xuống từng ngày.

Ông Đỗ Hà Nam “hiến kế” thêm, việc tạm trữ nên tiến hành thường niên. “Vấn đề ở đây là thủ tục đã làm cho chính sách chậm đến với người dân. Chúng ta cần áp dụng một cách mặc nhiên hàng năm, đến thời điểm nào đó là chính sách sẽ được thực thi, tránh việc chờ đợi làm lỡ mất thời cơ” – ông lý giải.