Năm 2009, khi lòng hồ Thủy điện Sông Ba Hạ (rộng hơn 5.300ha) tích nước đã làm ngập đất canh tác của hàng trăm hộ dân các xã Suối Trai, Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Chỉ tính riêng địa bàn xã Krông Pa đã có 126 hộ dân có đất sản xuất bị ngập trong lòng hồ thủy điện.
Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Sông Ba Hạ là Công ty cổ phần Thuỷ điện Sông Ba Hạ nói sẽ xây dựng vùng trồng lúa nước rộng 130ha để cấp lại cho dân mất đất sản xuất, nhưng đến nay điều này vẫn chưa thành hiện thực.
Theo UBND huyện Sơn Hoà, Thủy điện Sông Ba Hạ tích nước đã làm 386 hộ dân bị mất 890ha đất sản xuất. Trong đó, 98 hộ thuộc diện tái định cư bị mất trắng đất sản xuất. “Suốt 7 năm qua, người dân đau đáu chờ cấp đất nông nghiệp để sản xuất, ổn định cuộc sống nhưng dự án xây dựng cánh đồng 110ha ở xã Suối Trai do tỉnh Phú Yên và Công ty cổ phần Thuỷ điện Sông Ba Hạ đầu tư vẫn chưa hoàn thành” - ông Nguyễn Quốc Hoàn - Bí thư Huyện uỷ Sơn Hoà chua chát nói.
Tương tự, Thủy điện Sông Hinh tích nước hơn 10 năm nay nhưng vẫn không thể giải quyết định canh cho người dân các xã EaTrol, Sông Hinh, Đức Bình Đông bị mất gần 1.000ha đất sản xuất. Khu tái định cư buôn Mùi, xã EaTrol phải di dời 198 hộ, nhưng có đến 31 hộ không còn đất canh tác. “Nông dân có đất sản xuất gần lòng hồ thủy điện thường xuyên bị ngập lụt, có năm sắn chưa thu hoạch bị thối, mía chết vì ngập úng, nông dân khó khăn đủ đường” - ông Trần Ngọc Thuân - Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho hay.
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, trong năm 2011 - 2012, đã xảy ra trên 300 vụ phá rừng Krông Trai làm nương rẫy, gây thiệt hại trên 100ha rừng và đất rừng. Tình trạng phá rừng đang diễn biến phức tạp. Chỉ tính địa bàn xã Krông Pa, theo thống kê của UBND xã, trong năm 2011 đã có 50 vụ phá rừng làm rẫy với diện tích trên 176.000m2. Đại diện UBND xã cho biết, do thiếu đất sản xuất nên người dân làm liều.
Bà Hờ Sen ở xã Krông Pa phân trần: “Vợ chồng tôi có 2 sào bắp cạnh sông Cà Lúi (một nhánh sông đổ về sông Ba). Diện tích này trước đây trồng sắn nhưng do lòng hồ Thủy điện Sông Ba tích nước ngập hết đất nên vợ chồng tôi buộc phải phá rừng lấy đất làm rẫy kiếm sống”.
Mạnh Lê