Hơn 50 năm phụ trách "Đài phát thanh thôn" rất hiếm khi tôi sai lịch tiếp sóng chương trình phục vụ bà con xóm làng...
Năm 20 tuổi, cũng như bao bạn bè cùng lứa, tôi hăng hái viết đơn tình nguyện nhập ngũ ra tuyến lửa, nhưng không được chấp nhận với lý do "có kiến thức về sử dụng các thiết bị máy móc, điện dân dụng nên phải ở lại địa phương làm công tác phát thanh tuyên truyền...". Làm việc gì cũng là đóng góp cho cách mạng và "đài phát thanh thôn" đã gắn bó với tôi từ đó.
Ông Vận và đài phát thanh thôn trong nhà mình. |
Suốt bao năm tháng qua, những thông tin từ loa phát thanh đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của bà con trong cái làng được mệnh danh là rộng nhất xã với chiều dài hơn 3km, gồm hơn 300 hộ dân và 1.200 nhân khẩu.
Điều tôi tâm đắc nhất là thông qua các chương trình đài thôn mà những năm qua đời sống tinh thần trong làng không ngừng được nâng cao. Từ nguồn tin của đài, nhiều hộ đã áp dụng thành thạo kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thoát nghèo; số hộ sinh con thứ 3 giảm dần. Hơn 10 năm trước, làng tôi đã là đơn vị đầu tiên của huyện được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh...
Công việc của tôi nếu làm tốt thực sự không hề đơn giản. Phải xếp lịch cho phù hợp để nâng cao hiệu quả việc tiếp sóng; biên tập nội dung để phát thanh trực tiếp những thông báo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương cho bà con dễ tiếp nhận nhất. Tôi quan niệm, mình có thể đói ăn, thiếu mặc, nhưng không thể để một ngày bà con thiếu thông tin. Chẳng thế mà, khi chiếc đài của thôn bị hỏng, tôi đã thuyết phục bằng được vợ bán gấp đàn lợn con để mua chiếc đài Nhật xịn.
Trụ sở của đài thôn ở chính nhà tôi. Cạnh chiếc giường nơi vợ chồng nằm là chiếc bàn kê bộ tăng âm 300W và một chiếc radio nhỏ để thu sóng, bộ âm-li, chiếc vôn kế, chiếc mi-crô. Hàng ngày, tôi thức dậy từ 4 giờ 30 sáng để đấu nối các thiết bị, chờ tiếp sóng chương trình đài 3 cấp, rồi đọc nội dung thông tin của xã, thôn cho đến 6 giờ 30 mới đi làm việc nhà.
Đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng tôi chỉ từ bỏ công việc phụ trách đài phát thanh thôn khi không còn trên cõi đời này nữa...
Ông Lê Gia Vận (thôn Mai Động, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam).
Bình Nam (ghi)