Cuối tháng 6 âm lịch, nước sông Hậu dần nhuốm đỏ. Đứng trên cầu Cái Răng (Cần Thơ) nhìn xuống, ta thấy một dải nước đỏ như tấm lụa đào giữa hai làn nước bạc lấp lánh trong nắng.
Phải thêm nhiều ngày, nhiều tuần nữa, mưa già hơn, con nước đỏ mới nhuộm hết cả mặt sông, mới tiến sâu vào các kinh, rạch xa xôi. Bấy giờ, người ta gọi một cách chính danh: mùa nước son - mùa cá bống trứng.
Mới đầu mùa, các chợ đã thấy bày bán khá nhiều cá bống trứng. Những con cá nhỏ bằng ngón tay út, bụng căng cứng trứng vàng hượm, nổi rõ dưới làn da nâu nhạt, mỏng tang. Không lệ thuộc thời vụ, không cần đợi lúc nông nhàn, hớt cá bống trứng chỉ đợi con nước son đổ về, và thường hớt về đêm.
Chỉ cần một ngọn đèn chong, một chiếc xuồng tam bản và một cái rổ xúc là người ta “khoèo” dầm tách bến, tiến về phía mấy giề lục bình trôi. Và, mặt rổ cắt xéo góc 45 độ so với mặt nước, phía dưới bộ rễ lục bình. Vục sâu rổ vào, lật ngang, nhanh tay giở lên khỏi mặt nước. Gạt lục bình ra. Những con cá bống trứng lẫn tép bạc nhảy xoi xói trong lòng rổ.
Nhưng, đầu mùa, lượng cá bống trứng chẳng mùi mẽ gì so với “chính vụ”. Đó là rằm tháng tám âm lịch. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc của đêm Trung thu, thường là dưới những cơn mưa rỉ rả, cá bống trứng ở đâu không biết, quần tụ, bám đầy rễ các giề lục bình làm ổ đẻ.
Với duy nhất một đêm “chính vụ”, dòng kinh, con rạch như đêm hội hoa đăng. Đèn chong chấp chới, lập lòe trên sông nước. Những cái rổ khi giở lên, lúc lại “chém” xuống nước khiến đêm thôn quê xao động.
Về nhà. Đổ cá ra, hớt mang, đuôi, làm sạch vảy bằng cách chà mớ cá trong chiếc rổ tre. Rửa sạch, cho vào ơ, kho khô, chế chút mỡ, rắc tiêu xay. Nồi cháo trắng chín nhừ trên bếp kế bên, sẵn tay cho vào thêm một ít tép bạc đã bóc vỏ. Nồi cháo mới ngon làm sao khi cắn một nửa con cá bống cứng săn trong răng. Bao nhiêu sức lực hao phí vừa qua, cái lạnh của đêm mưa dầm nhanh chóng biến mất...
Ở Bến Tre còn có món cá bống trứng kho sả. Cá kho bằng ơ đất, chế nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy, ăn cùng bắp chuối đập và đọt lục bình.