Hết từ chức lại cách chức
Có thể nói, tuần qua là khoảng thời gian tương đối đau đầu đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi mà hai thành viên quan trọng trong nội các là Bộ trưởng Thương mại John Bryson và Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder lần lượt dính cáo buộc.
Ông Bryson bị nghi động kinh |
Đầu tiên là chuyện ông Bryson bị cáo buộc gây tai nạn liên hoàn rồi… bỏ chạy. Các công tố viên cho biết, tối 9.6, ông Bryston đã lái chiếc xe Lexus lao sầm vào một chiếc Buick ở thành phố San Gabriel. Chỉ ít phút sau đó, ông lại gây tai nạn với chiếc xe hơi thứ hai khi đang trên đường tới thành phố láng giềng Rosemead.
Giới chức Bộ Thương mại cho hay, ông Bryson được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh trong xe. Ông bị co giật và chỉ nhớ được rất ít chi tiết liên quan tới vụ việc.
Điều gây sửng sốt đối với dư luận là chuyện các chuyên gia y tế nghi ngờ, chứng co giật mà ông Bryson trải qua là dấu hiệu đầu của bệnh động kinh.
Hôm 21.6, ông Bryson đã tuyên bố nộp đơn từ chức lên Tổng thống Obama và được ông chủ Nhà Trắng chính thức chấp nhận.
Kế đến là phi vụ Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder bị quy tội khinh thường Quốc hội. Đây là lần đầu tiên có một quan chức trong chính quyền Obama chịu cáo buộc này.
Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ yêu cầu ông Holder phải ra đối chất trước tòa vì đã không hợp tác với cuộc điều tra về một chiến dịch cài bẫy thất bại tên là “Fast and Furious”, nhằm vào các băng đảng tội phạm vận chuyển vũ khí lậu sang Mexico.
Các nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng, ông Holder đã lừa dối Quốc hội khi nói rằng, ông không biết gì về chiến dịch trên và không tuân thủ trát đòi chuyển giao hồ sơ liên quan tới vụ việc.
Trong khi nước Mỹ đang xôn xao với bê bối của hai bộ trưởng, thì tại Paraguay, một diễn biến chính trị đầy bất ngờ đã xảy ra khi Tổng thống Fernando Lugo bị Quốc hội cách chức hôm 22.6 vì cáo buộc vô trách nhiệm trong vụ cưỡng chế thu hồi đất khiến 17 người thiệt mạng trước đó tròn một tuần.
Người thay thế ông ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước chính là Phó Tổng thống Federico Franco. Ông Franco đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ngay trong ngày 22.6.
Trước đó đúng một tuần, tức hôm 15.6, một vụ cưỡng chế thu hồi đất đã xảy ra ở hạt Canindeuyu, cách thủ đô Asuncion khoảng 240km, khiến 17 người thiệt mạng.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Tổng thống Paraguay Fernando Lugo đã cho triển khai binh sỹ để hỗ trợ cảnh sát địa phương trong vụ này.
Cuộc chiến hoa hồng
Báo chí từng miêu tả Tổng thống Pháp Francois Hollande là người đàn ông may mắn vì có hai “bóng hồng” đặc biệt trong cuộc đời.
Tình cũ và tình mới của ông Hollande |
Một người là “tình cũ”, nữ chính trị gia xuất sắc của đảng Xã hội Ségolène Royal, từng tranh cử tổng thống hồi năm 2007 và đã “tặng” ông bốn người con.
Người kia là một nữ nhà báo sắc sảo, một bình luận viên chính trị có chiều sâu và là bạn gái hiện tại của ông Hollande. Bà là Valérie Trierweiler – cái tên quá quen thuộc trong giới truyền thông Pháp.
Tuy nhiên, mới đây, chính trường Pháp và điện Elyssee vừa phải hứng “mưa đá” mà nguyên nhân bắt nguồn từ hai người phụ nữ này. Liệu đến giờ, ai còn bảo ông Hollande may mắn?
Hồi tuần trước, bà Trierweiler trở thành người khơi mào của “cuộc chiến” khi để lại dòng tin nhắn gây tranh cãi trên trang mạng xã hội Twitter.
“Chúc may mắn, ông Olivier Falorni”, bà Trierweiler bày tỏ sự ủng hộ với đối thủ của bà Ségolène Royal, đồng thời cho rằng, ông xứng đáng nhận được sự ủng hộ của các cử tri địa phương.
Sự việc rùm beng tới mức, đích thân Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault phải lên tiếng cảnh báo, bà Valérie Trierweiler nên trở về với đúng vị trí và vai trò của mình.
Ngay cả Tổng thống Francois Hollande cũng tỏ ra hết sức tức giận và cảnh báo bạn gái “không bao giờ được phép để chuyện tương tự lặp lại”.
Sau một tuần im hơi lặng tiếng, bà Trierweiler chính thức thừa nhận sai lầm và cho biết, bà cảm thấy rất buồn và thất vọng vì hậu quả từ vụ “vạ miệng” của mình.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Trong một động thái “phản pháo”, trả lời phỏng vấn hôm 21.6, bà Royal công khai chỉ trích rằng, nữ nhà báo Trierweiler đã chia rẽ ông Francois Hollande khỏi bà trong chiến dịch tranh cử cách đây 5 năm, và nguyên nhân khiến bà không thể trở thành Tổng thống Pháp sau cuộc bầu cử hồi năm 2007.
Bà Royal cũng khẳng định, chính bạn gái hiện tại của ông Hollande là người đã ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp chính trị của bà trong những năm qua.
“Tôi nhận ra mối quan hệ giữa họ (ông Hollande và bà Trierweiler) từ năm 2007. Tôi hiểu vì sao Francois lại không giúp đỡ tôi”, bà Royal nói.
Romania - Mặt hồ dậy sóng
Dư luận Romania tuần qua rúng động trước thông tin cựu Thủ tướng Adrian Nastase tự sát không thành bằng phát súng vào cổ, chỉ ít giờ đồng hồ sau khi lãnh án hai năm tù giam vì tội tham nhũng.
Vụ việc xảy ra hôm 20.6, khi cảnh sát tới nhà riêng của ông Nastase để áp giải ông tới nhà tù. Đương kim Thủ tướng Romania Victor Ponta cũng đã lên tiếng xác nhận.
Trước đó một ngày, hôm 19.6, bản thân ông Ponta cũng gặp rắc rối khi giới truyền thông rầm rập đưa tin, ông đã sao chép phần lớn nội dung của luận văn tiến sỹ dày 432 trang hồi năm 2003 tại trường Đại học tổng hợp Bucharest.
Tạp chí Nature dẫn lời lãnh đạo Hội đồng cấp bằng đại học của Romania khẳng định, bằng chứng về hành vi đạo văn của ông Ponta là “không thể chối cãi”.
Về phần mình, Thủ tướng Ponta kiên quyết phủ nhận cáo buộc đồng thời tuyên bố sẵn sàng cho bất kỳ cuộc điều tra xác minh nào.
Bê bối này được coi là một miếng đòn nguy hiểm đối với chiếc ghế Thủ tướng của ông Ponta. Trước đó, hồi tháng Ba năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor Guttenberg đã bị tước học vị tiến sỹ và từ chức vì đạo văn luận án.
Sau một vụ việc tương tự, Tổng thống Hungary Pal Schmidt cũng đã phải từ chức hồi tháng Tư vừa qua.
Thu Thảo