Đây là một trong các bước thực hiện Thỏa thuận Nga- Hàn Quốc về phòng, chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không kiểm soát và không báo cáo (IUU).
Hiệp định này đã có hiệu lực 2 năm trước đây, theo đó, tất cả các tàu đánh cá Nga cập cảng Hàn Quốc cần chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm đánh bắt.
Cua Nga xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ có hộ chiếu riêng từ ngày 25.6. |
Các chuyên gia ước tính có khoảng 30% tổng sản lượng đánh bắt hải sản trên thế giới là đánh bắt “ba không” IUU. Do bán cá và các loại hải sản khác đánh bắt trộm ở các cảng nước ngoài, Nga đã phải chịu thiệt hại hơn nửa tỷ USD/năm.
Một số loài hải sản đặc biệt có giá trị như cua Kamchatka và cua xanh ở vùng Viễn Đông đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nga hiện là nước đứng thứ 9 trên thế giới về xuất khẩu cá, chiếm 2,3% sản lượng của toàn thế giới. Năm 2004, Nga đã thông qua Luật Thủy sản, theo đó, ngư dân Nga đánh bắt gần hay xa bờ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định pháp luật được soạn thảo trong Luật Thủy sản này.
Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên mà Nga đã ký thỏa thuận chống đánh bắt IUU. Tháng 1. 2012, một thỏa thuận tương tự đã được ký kết với CHDCND Triều Tiên và sắp tới là với Trung Quốc, Mỹ và Canada.
Chuyên gia về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản Alexander Glubokov cho biết, hiện nay, ở phía Bắc và phía Nam Thái Bình Dương đang tổ chức giám sát đánh bắt thủy sản. Phía Nga đã đề nghị thành lập "danh sách đen" các tàu và thuyền trưởng chuyên đánh bắt trộm thủy sản.
Cuộc chiến chống đánh bắt cá IUU là một trong những biện pháp chủ yếu để bảo vệ các đại dương. Để đạt mục đích đó, nhân loại cần phải làm nhiều việc: Dọn rác rưởi, ngăn chặn ô nhiễm từ các con sông chảy vào đại dương, hạn chế thải thán khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển, ngừng đánh bắt vô tội vạ các nguồn tài nguyên sinh vật đại dương.
Hạ Anh