Dân Việt

Bánh chưng, củ kiệu ào ạt xuất ngoại

21/12/2010 18:52 GMT+7
Nhiều mặt hàng đặc sản Việt Nam như bánh chưng, bánh giầy, lá dong, củ kiệu, mắm, mứt… đang được doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu các nước châu Âu, Mỹ phục vụ bà con Việt kiều.

Nhu cầu tăng cao

Đến thời điểm này, cơ sở bánh chưng Trần Gia ở Biên Hòa (Đồng Nai) đã hoàn tất việc xuất khẩu bánh chưng cho kiều bào ăn tết. Theo đó, toàn bộ 23 tấn bánh chưng, bánh giầy, bánh gai… được xuất khẩu qua các nước châu Âu.

img
Bánh tét được bán tại một siêu thị ở quận Cam (Mỹ).

Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở Trần Gia, cho hay đây là năm thứ năm cơ sở xuất khẩu bánh chưng ra nước ngoài. “Bánh chưng xuất sang bên đó được Việt kiều đón nhận hồ hởi lắm. Chính vì vậy nên năm nào cơ sở cũng tăng lượng hàng xuất khẩu nhưng bán vẫn rất chạy” - ông Toàn nói.

Đại diện Công ty Thương mại và sản xuất Hải Minh (Củ Chi, TP.HCM) cho biết hiện đơn hàng các mặt hàng đặc sản như bánh tráng, nước tương, củ kiệu, mắm nêm… xuất khẩu sang Mỹ, Úc, New Zealand ngày càng tăng cao. Trong số các thị trường này thì chiếm thị phần lớn nhất là bang California (Mỹ) - nơi có số lượng đông đảo Việt kiều sinh sống.

Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM, cho biết trong tháng 12 này, công ty phải hoàn tất giao hơn 1.500 tấn gạo thơm thương hiệu KĐM để phục vụ bà con Việt kiều ở nước ngoài. Chủ yếu số gạo thơm được xuất sang Pháp, Đức, Hong Kong, Singapore, trong đó tập trung tại những khu vực có đông đảo Việt kiều sinh sống.

Nhu cầu ngày thường cũng nhiều

Theo ông Quách Hùng Tòng, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại và sản xuất Hải Minh, còn rất nhiều thị trường khác như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản..., kiều bào chưa có cơ hội mua được những đặc sản Việt Nam. Một phần vì chưa liên kết được và một phần là chưa có DN nào tìm hiểu sâu nhu cầu của các thị trường.

Khác với trước đây, hiện nhu cầu sử dụng đặc sản Việt Nam của bà con Việt kiều ở các nước không còn gói gọn trong mấy ngày tết mà còn lan ra cả ngày thường. Tuy vậy thị phần của DN Việt Nam về mắm, củ kiệu, dưa hành… vẫn còn kém xa DN Thái Lan, Trung Quốc.

Để xảy ra tình trạng trên do DN trong nước chưa chủ động tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu. Phần lớn hợp đồng xuất khẩu “hàng nhà quê” đều đến từ sự giới thiệu hay đặt hàng trực tiếp từ bà con Việt kiều.

Gắt gao chất lượng

Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở Trần Gia, kể ý tưởng xuất khẩu bánh chưng đã có từ lâu nhưng không biết thực hiện thế nào vì lúc đó chưa có quy định chất lượng cho bánh chưng xuất khẩu. Do vậy, ông Toàn phải tự xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng gửi cho Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm. Sau khi được chấp thuận, ông Toàn mới dám gửi mẫu hàng và hồ sơ quy trình sản xuất sang cho đối tác nhập khẩu.

“Để được đối tác châu Âu chấp nhận nhập bánh chưng của mình là một quá trình gian nan. Họ kiểm tra rất kỹ chất lượng, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cũng như truy xuất nguồn gốc của lá dong, nếp, đậu, thịt…” - ông Toàn nói.

Ông Huỳnh Công Thành cho hay để xuất được gạo thơm sang châu Âu, ngoài những tiêu chuẩn bình thường, công ty phải chứng minh sản phẩm không biến đổi gien và phải kèm giấy chứng nhận an toàn chất lượng do cơ quan y tế cấp. Đương nhiên giá xuất khẩu gạo thơm cũng cao hơn nhiều so với gạo thông thường.

Hiện nay gạo thơm mang thương hiệu VN tiêu thụ tại châu Âu còn khá hạn chế. Người dân ở đây chủ yếu vẫn sử dụng gạo thơm nhập từ Thái Lan. Tuy nhiên, ông Thành tin rằng với việc kiên trì tìm kiếm thị trường và thông qua cộng đồng người Việt thì gạo thơm VN sẽ có chỗ đứng tại thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Theo PL TP.HCM