Chủ tàu lưới vây QNa - 95009, ông Phạm Văn Lâm (SN 1976) cho biết: “Cách đây mấy hôm, khi tàu của tôi đánh bắt cách bờ khoảng 20 hải lý, khu vực giáp với Đà Nẵng, thì xuất hiện đàn bướm lạ bay ập đến bám vào người, gây ngứa rất khó chịu cho nhiều ngư dân”.
Theo ông Lâm, bướm xuất hiện chủ yếu vào ban đêm, khi tàu bật đèn hành nghề. “Thấy anh em lở, gãi ra máu nên tôi cho tàu về bến, đi bệnh viện khám. Bác sĩ cũng chưa biết bị bệnh gì. Đa số chỉ uống thuốc và bôi kem chống ngứa. Không riêng gì chúng tôi, mà hiện giờ hơn 60 tàu thuyền ở bãi biển này cũng đang rất lo lắng” - ông Lâm nói.
Vết cắn của đàn bướm nổi trên da ngư dân Trần Ngọc Bảy. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Nặng nhất là ngư dân Trần Ngọc Bảy (đi tàu của ông Lâm) với hàng chục vết thâm đen từ ngực đến chân, kể cả mụn đỏ nổi lên dày đặc khắp cả người. Ông Bảy cho biết: “Gần 10 ngày nay, tôi ở nhà vừa uống vừa thoa thuốc, các mụn đỏ có phần khô lại.
Tuy nhiên khắp người vẫn còn ngứa rất khó chịu, nên chưa dám ra khơi”. Ngư dân Nguyễn Văn Nông (SN 1958) cho biết: “Tôi đi biển hàng chục năm, nhưng chưa thấy năm nào bướm xuất hiện nhiều như năm nay”. Theo ông Nông, loài bướm xuất hiện rất nhiều màu, nhưng nhiều nhất là màu trắng, màu vàng, màu đen.
Không chỉ ở Quảng Nam, nhiều ngày nay, hàng trăm ngư dân của xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đang đánh bắt cá ở vùng biển cũng bị bướm lạ tấn công, phải quay về đất liền để mua thuốc điều trị. Ông Ngô Đức Tâm (SN 1960) - thuyền trưởng tàu TTH-97679 cho biết, 4/10 ngư dân trên tàu của ông đã bị bướm lạ tấn công. “Ai xua đuổi hoặc sơ ý bị bướm đụng vào là mình mẩy nổi ban và ngứa” -ông Tâm cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết: “Theo thông tin ngư dân cung cấp họ đã bị phấn hoa trên cánh bướm dính vào da nên mới gây ngứa ngáy. Bệnh này không nặng, kiểm soát được. Chúng tôi khuyến cáo ngư dân nếu gãi nhiều sẽ rỉ máu ngoài da rất nguy hiểm, thường xuyên dùng thuốc kem bôi chống ngứa, thuốc uống chống ngứa phòng bệnh”.
Trương Hồng - An Sơn