Công ty Yến Việt lên tiếng
Sáng 12.4, phóng viên NTNN đã nhận được thông cáo báo chí của Công ty CP Yến Việt khẳng định không có vi-rút cúm A/H5N1 trong tổ yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến do công ty này đã áp dụng quy trình YV-Purenest kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào. Thông cáo báo chí này cũng nếu rõ “Trong thời gian gần đây có rất nhiều thông tin về chim chết tại các nhà chim ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Có thông tin cho rằng hầu hết các mẫu cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1 đều là mẫu chim non. |
Ngay khi có hiện tượng nói trên Công ty Yến Việt đã tiến hành lấy mẫu khảo sát theo đúng yêu cầu đồng thời gửi các nhân viên làm việc trực tiếp tại các nhà chim đi khám sức khỏe, làm xét nghiệm… tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi-rút cúm A/H5N1, các nhân viên không có dấu hiệu nhiễm bệnh”.
Đặc biệt, Công ty Yến Việt cũng kèm theo thông cáo báo chí một bản kết quả xét nghiệm của Trung tâm Thú y vùng VI về một mẫu chim yến, của Phân viện Thú y miền Trung về 6 mẫu chim yến đều âm tính với cúm A/H5N1. Đồng thời, một bản kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP HCM về mẫu tổ yến cũng âm tính với cúm A/H5N1.
Trong khi trước đó, các mẫu chim yến chết tại nhà yến thuộc Công ty Yến Việt, tại rạp phim cũ Thanh Bình, TP Phan Rang (Ninh Thuận), được chính một thành viên HĐQT của Công ty Yến Việt gửi đến đến Trung tâm thú y vùng VI xét nghiệm, đều cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Kết quả này sau đó đã được thông báo ngay cho Chi cục Thú y Ninh Thuận.
Chiều 12.4, Phân viện trưởng Phân viện Thú y miền Trung Nguyễn Đức Tân bày tỏ quan điểm: Việc mẫu này dương tính, mẫu kia âm tình là bình thường. Chúng tôi đều lưu mẫu sau khi xét nghiệm nên hoàn toàn chịu trách nhiệm trước kết quả đưa nay. Cục thú y cũng yêu cầu Phân viện làm báo cáo về vấn đề này, kết luận cuối cùng chờ Cục thú y.
Người nuôi tự lo?
Một chủ doanh nghiệp nuôi, mua bán yến sào lâu năm tại Khánh Hòa, xin được giấu tên, cho biết, ông bất ngờ với thông tin chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 vì nhà ông làm nghề khai thác yến từ mấy đời chưa bao giờ thấy hiện tượng như thế xảy ra.
“Con chim yến bay rất cao, cấu tạo chân của nó không thể đậu xuống đất. Chúng luôn ở trên cao, tổ cũng trên cao, không ai đụng được đến chúng và chúng cũng không tiếp xúc với bất cứ loài nào nên khả năng lây nhiễm bệnh là không thể” – ông này nói. Còn một chủ nhân của 4 nhà yến tại Nha Trang, cũng xin giấu tên, cho biết: “Chúng tôi vô cùng hoang mang.
Nếu thực sự yến bị nhiễm cúm A/H5N1 thì chúng tôi rất cần được nhà nước, các nhà chuyên môn quan tâm chỉ dẫn cho chúng tôi cách phòng – chống dịch bệnh. Lâu dài hơn, là chúng tôi mong muốn chính quyền quy hoạch lại vùng nuôi để quản lý dịch bệnh chặt chẽ hơn như Thái Lan và các nước khác. Ở Khánh Hòa, chẳng cơ quan nào quản lý, nghề nuôi yến bị thả nổi và cách đây không lâu việc mua – bán tổ yến, sản phẩm của nghề này còn bị làm khó” – trích băng ghi âm.
Tiến sĩ Viên Quang Mai – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết, dù việc chim yến bị nhiễm cúm khó xảy ra nhưng không phải là không thể vì khoa học đã chứng minh, vi-rút cúm H5N1 có trong chuột, gián… (những loài vật có trong nhà yến, hang yến).
Ngày 12.4, ông Tào Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện tại tỉnh Khánh Hòa chưa ghi nhận trường hợp yến chết. “Số lượng yến bao nhiêu chúng tôi chưa thống kê được. Bởi chim yến nuôi nó tự đến, tự đi nên việc thống kê chính xác rất khó khăn. Hiện tỉnh Khánh Hòa cũng đang có kế hoạch quy hoạch lại việc nuôi yến” – ông Tuấn nói. Tuy nhiên khi được hỏi về khuyến cáo người nuôi yến cách phòng trừ thì ông Tuấn nói: “Người nuôi phải tự phòng chống việc nhiễm bệnh cho đàn yến”.
Mai Khuê