Dân Việt

Ngôi chùa Việt đầu tiên ở Phần Lan

14/07/2010 09:47 GMT+7
(Dân Việt) - Nằm ở quận Vantaa, cách trung tâm thủ đô Helsinki (Phần Lan) chừng vài chục cây số, chùa Phúc Lâm toạ lạc trên một khu vườn rộng hơn 4.000m2.
img
Nhà sư Thích Hạnh Thông và nhà thơ Vương Trọng trong chính điện chùa Phúc Lâm ở Phần Lan.

Chùa được tái tạo từ một ngôi nhà mua lại của dân Phần Lan nên không có nét xây dựng đặc trưng phương Đông, vườn chùa không có cây đa, cây đại, mà rất nhiều cây tùng, cây thông cổ thụ...

Chùa Phúc Lâm còn rất "trẻ", chỉ mới hơn một tuổi, chính xác là từ ngày 30-4- 2009, do nhà sư Thích Hạnh Thông lập nên. Chọn ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước làm ngày khai sinh ngôi chùa chứng tỏ vị sư trụ trì rất coi trọng ý nghĩa lịch sử của ngày lễ trọng đại đó. Đến Phần Lan không lâu, tôi đã nghe nhiều bà con Việt kiều nói về ngôi chùa này, cũng là thể hiện sự vui mừng của họ khi sinh sống ở một đất nước Bắc Âu xa xôi mà được "lên chùa" như ở quê nhà.

Nhà sư Thích Hạnh Thông quê ở TP.HCM, năm nay 46 tuổi. Từ năm 1986 đến năm 1991, ông tu ở chùa Vĩnh Nghiêm. Năm 1991, ông sang định cư và trụ trì trong một ngôi chùa ở Na Uy. Sau khi trụ trì chùa gần 20 năm, nhà sư Thích Hạnh Thông thấy được ý nghĩa những ngôi chùa ở nước ngoài: Đó không chỉ là trung tâm của những hoạt động Phật giáo, mà còn lưu giữ hồn quê, lưu giữ nét văn hoá Việt Nam, và là nơi gặp gỡ của bà con Việt kiều...

Biết ở Phần Lan chưa có ngôi chùa nào, ông có ý định sang đó dựng ngôi chùa đầu tiên. Năm 2007, sư Hạnh Thông đến Phần Lan, buổi đầu ông dùng ngay căn nhà của mình làm nơi thờ phật, đọc kinh và đã có nhiều phật tử tìm đến để lễ Phật. Mỗi ngày qua đi, số phật tử tăng lên một đông, ông hiểu được nguyện vọng của bà con là cần có một ngôi chùa đích thực. Thế rồi ông đã mua được ngôi nhà và khu vườn ở Vantaa với giá hơn 6 tỷ đồng trong đó có tiền vay ngân hàng, tiền đóng góp của phật tử và những nhà hảo tâm.

Nhà sư tâm sự: “Dù hình thức bề ngoài có thể khác những ngôi chùa ở quê nhà, nhưng nội dung thì vẫn là một, như câu thơ từng viết: "Chùa thiêng lưu giữ hồn dân tộc/Mái ấm muôn đời của tổ tông".