Trong mấy ngày qua, câu chuyện về những người chăn nuôi ở các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có Đồng Nai lần đầu tiên có “sáng kiến” xin thế chấp lợn, gà, vịt, chim cút... để vay vốn đã gây sự chú ý của dư luận. Phía ngân hàng từ chối cho vay nhưng đằng sau câu chuyện này đã đặt ra nhiều vấn đề về chính sách tín dụng cho khu vực tam nông. Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành.
Chuyện chưa có tiền lệ
Ông Bùi Kiến Thành nói: Nông nghiệp, nông thôn là hậu phương chiến lược của cả nền kinh tế, do đó làm sao tạo ra được môi trường thuận lợi để người nông dân an tâm sản xuất, kinh doanh tốt nhất là điều mà Chính phủ luôn luôn mong muốn. Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến tam nông bằng việc ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ khu vực này phát triển, nhưng tôi nghĩ đó mới chỉ là chính sách ban đầu thôi.
Thiếu vốn để duy trì sản xuất nên nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai rơi vào khó khăn. |
Tôi thấy nông dân ở giai đoạn nào cũng khó khăn, nhưng giai đoạn này khó khăn càng gấp bội. Lý do bởi nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi ế ẩm, giảm giá. Rồi dịch bệnh, thiên tai thường xuyên xảy ra; khó khăn về nguồn vốn để duy trì sản xuất... luôn thường trực. Câu chuyện về người chăn nuôi ở Đồng Nai thế chấp lợn, gà, vịt, chim cút... để vay vốn là một ví dụ. Theo tôi, đây là điều chưa có thông lệ nên việc ngân hàng từ chối cho vay cũng rất dễ hiểu.
Thưa ông, theo lý thuyết kinh tế thì khi có tài sản thế chấp, người dân có thể vay được vốn ngân hàng. Vậy, việc từ chối của ngân hàng trong trường hợp này sao lại gọi là dễ hiểu?
- Các ngân hàng đương nhiên phải quản lý rủi ro không phải chỉ cho bản thân mình, mà còn các chủ tài khoản khác (người gửi tiền- PV). Bản chất của họ là quản lý vốn của khách hàng để không xảy ra rủi ro, để hưởng lãi chênh lệch, nên việc từ chối thế chấp lợn, gà (nhiều rủi ro) cũng dễ thông cảm. Nếu ngân hàng cho người dân vay thì chẳng may số gia súc, gia cầm thế chấp đó bị dịch bệnh chết; hoặc không chừng nông dân rải rác bán một vài trăm con, ngân hàng làm sao kiểm soát được... Dù rất chia sẻ với những khó khăn của người nông dân, nhưng trong trường hợp này, chúng ta cần phải chia sẻ với cách giải quyết của ngân hàng.
Vậy ông nghĩ thế nào về việc trong lĩnh vực thuỷ sản, nhiều doanh nghiệp vẫn vay được vốn ngân hàng cũng từ thế chấp tài sản là cá, tôm?
- Các doanh nghiệp thuỷ sản vay được vốn do họ thế chấp tài sản khi tôm cá đã trở thành sản phẩm, đóng vào thùng, rồi chất vào kho. Đây là hàng hoá tồn kho, không phải là tài sản di động; hơn nữa tài sản đó cũng đã được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được bảo hiểm... Trường hợp này, ngân hàng tính toán được rủi ro, nên việc cho doanh nghiệp vay vốn là đương nhiên.
Cách nào giúp nông dân?
Như ông nói thì trong trường hợp này người nông dân sẽ phải chấp nhận thiếu vốn, phải bán tháo đàn gia súc, gia cầm... Có cách nào để giúp họ thoát khỏi khó khăn này không, thưa ông?
- Cách thứ nhất là, chúng ta phải phổ biến nhanh chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân. Bảo hiểm sẽ được coi như là một điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần chứ chưa đủ, vì bảo hiểm nông nghiệp cũng chỉ giải quyết được một phần rủi ro thôi.
Cách thứ hai là, khi thế chấp lợn, gà, trâu bò để vay vốn thì chính quyền sở tại, cơ quan thú y... phải có đảm bảo, vào cuộc giám sát cho ngân hàng. Lúc đó, điều kiện cần là hợp đồng vay vốn phải có 3 bên ký: Ngân hàng - nông dân - chính quyền. Còn điều kiện đủ là ngân hàng sẽ xem xét thêm các yếu tố khác, như đàn lợn đó có phải như hàng tồn kho không (đến giai đoạn bán nhưng vẫn giữ trong chuồng để chờ giá lên), xem xét phương án vay vốn, kinh doanh, các tài sản thế chấp khác...
Ông Bùi Kiến Thành
Trên thế giới, trong trường hợp người nông dân khát vốn như ở Đồng Nai sẽ xử lý thế nào?
- Tôi đã nói đây là trường hợp chưa có tiền lệ. Tất nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng ít trường hợp thế chấp lợn, gà để vay vốn. Ở Mỹ, người nông dân nuôi hàng chục ngàn con bò, hàng triệu con heo... nhưng họ không quá lo lắng những vấn đề liên quan đến tài sản. Bởi Chính phủ, chính quyền liên bang có nhiều chính sách để bảo vệ tài sản của nông dân, như chính sách tiêm chủng, thu mua hàng hoá, bảo hiểm rủi ro...
Khi có các chính sách đó, phía ngân hàng cũng dễ dàng cho vay hơn. Hơn nữa, nông dân các nước có truyền thống gắn kết với ngân hàng qua nhiều thế hệ chứ không phải đứt đoạn như ở Việt Nam. Từ đời ông, đời cha của người nông dân đã có quan hệ tín dụng với ngân hàng nên khi có vấn đề gì liên quan tín dụng đều được giải quyết hết sức mau lẹ.
Đừng chú ý sổ đỏ, sổ hồng
Thưa ông, đằng sau câu chuyện thế chấp đàn gia súc để vay vốn của nông dân nói lên một điều rằng, sản xuất của họ đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn vốn đến với họ rất khó khăn?
- Đúng. Trường hợp vay vốn bằng thế chấp lợn, gà của nông dân ở Đồng Nai tôi nghĩ các ngân hàng thương mại sẽ khó giải quyết được. Thực tế đang có chuyện là doanh nghiệp, nông dân nợ trễ, nợ xấu, hàng tồn kho nhiều... nên ngân hàng cho vay tiếp cũng rất khó.
Bên cạnh đó, cần nói thêm là về tâm lý thì các ngân hàng thương mại không ưa thích khách hàng là nông dân bởi món vay thường nhỏ, chứa đựng nhiều rủi ro; đồng thời lại thiếu các tổ chức đứng ra hỗ trợ, giúp đỡ họ vay vốn... Trong trường hợp này, chúng ta nên hy vọng vào các ngân hàng thiên về chính sách bởi những ngân hàng này thường có trách nhiệm hơn với người nông dân...
Gần đây, Chính phủ có nhiều chính sách cho lĩnh vực tam nông, rồi các gói tín dụng cho khu vực này... Thưa ông, chính sách rất rõ ràng rồi, nhưng vì sao việc tiếp cận vốn của nông dân lại khó khăn đến như vậy?
- Chính phủ rất quan tâm đến chính sách nông nghiệp, nông thôn. Điều này cũng đúng thôi vì chỉ riêng xuất khẩu lúa gạo, thuỷ hải sản cũng đã chiếm vài chục % trong kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Do đó, ngoài các chính sách nói trên, trong năm nay Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải xuất vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất 0% để cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi.
Việc này, tôi chưa thấy lãnh đạo các địa phương, sở NNPTNT, tài chính, ngân hàng... nắm rõ để hướng dẫn nông dân tiếp cận nguồn vốn này. Vì thế khi nông dân đến các ngân hàng vay vốn thì không được, hoặc nếu được thì với lãi suất rất cao.
Vậy làm thế nào để người dân có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay của ngân hàng? Làm thế nào để không có cảnh xin thế chấp lợn, gà để vay vốn?
- Cái này tôi đã phát biểu nhiều lần rồi, là ngân hàng cần đảo ngược cách thức hoạt động của mình thì người nông dân ắt có vốn để sản xuất. Nghĩa là thay vì nhìn vào sổ đỏ, sổ hồng thì cán bộ tín dụng phải nhìn vào phương án kinh doanh của người nông dân. Mà nói thật, ngay cả bây giờ, tài sản của người dân, doanh nghiệp cũng đã cạn kiệt hết rồi. Họ đã cầm cố vay vốn để phục vụ sản xuất trước đó rồi, bây giờ mà có bắt cầm cố tài sản thế chấp thì cũng còn đâu. Nếu không có sự thay đổi, nhà băng vẫn mãi xa nhà nông thôi.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên Khôi (thực hiện)