Người dân lập rào chắn tại cổng chính đường vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sáng 14-7. |
Có người dùng dây rào đường hoặc đứng thành hàng rào trước cổng nhà máy.
Những người dân này quê ở xã Bình Trị - nơi Nhà máy Lọc dầu đứng chân. Họ bị di dời ra khỏi quê nhà đến tái định cư tại xã Bình Thanh Tây. Tại đây mỗi lao động được cấp 800m2 đất sản xuất. Thế nhưng, diện tích này của bà con gần đây bị dân sở tại tranh chấp, chiếm đoạt. Bà con kiến nghị lên xã, huyện nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Chị Nguyễn Thị Nga, tham gia vây Nhà máy Lọc dầu, bày tỏ: “Bắt đầu từ vụ đông xuân 2009-2010, dân địa phương đến lấy lại đất không cho chúng tôi sản xuất. Chúng tôi đã trình báo sự việc với UBND xã, rồi UBND huyện nhưng chẳng ai quan tâm. Cực chẳng đã chúng tôi phải vây Nhà máy Lọc dầu để mong tỉnh "ra mặt" giải quyết. Chúng tôi không phải đến để làm khó dễ gì Nhà máy Lọc dầu”.
Ông Trần Ngọc Sang - Chủ tịch UBND xã Bình Thanh Tây, thở dài: Sau khi có việc giành đất giữa dân cũ và dân mới, xã xuống lập biên bản 109 hộ dân chiếm đất để phạt hành chính và yêu cầu trả lại số diện tích lấn chiếm. Thế nhưng, số hộ vi phạm không chấp hành. Vụ việc này vượt quá thẩm quyền của xã, vì vậy xã chỉ còn biết báo lên huyện thôi.
Đến khoảng 10 giờ cùng ngày việc phong toả đường vào nhà máy của số người dân này mới chấm dứt khi đích thân ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh, có mặt và yêu cầu mọi người dẹp bỏ các vật cản, tập trung về trụ sở UBND xã Bình Trị để giải quyết.
Tại đây, sau khi ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân, ông Nguyễn Xuân Huế đã chỉ đạo lập danh sách để hỗ trợ thiệt hại về tiền giống, công… cho số hộ bị tranh đất; hỗ trợ thiệt hại vì không thể sản xuất, với mức 15kg gạo/người/tháng x 12 tháng; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm 109 trường hợp lấn chiếm lại đất.
Được biết, vào năm 1997, để nhường đất xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, khoảng 343 hộ, 2.600 người dân xã Bình Trị đã đến tái định cư tại xã Bình Thanh Tây.
Tại nơi ở mới, về "lý thuyết" mỗi lao động sẽ được cấp 800m2, với tổng diện tích đất cấp là 120ha. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân đến nay số diện tích đất sản xuất cấp cho số hộ này chỉ mới được khoảng 61ha. Đã vậy diện tích này còn bị dân địa phương đến tranh chấp, chiếm đoạt.
Công Xuân