Lấy rượu từ thân cây đoác. |
Đoác là cây họ dừa, mọc trên núi cao, có những cái túi bên trong chứa nước mà người dân ở đây gọi là "nước đoác". "Nước đoác tinh khiết, có mùi bia, mờ mờ đục đục tựa nước vo gạo, có bọt sủi lên y chang như bia thật rứa mà lại có mùi men đặc trưng của rượu" - già làng Blup A Măng cho biết.
Không ai nhớ, cũng không ai rõ sự tích của rượu đoác, chỉ biết mọi người tương truyền lại rằng, xưa người Tà Ôi vào rừng làm rẫy, nắng nóng quá, ngồi nghỉ dưới một tán cây, thấy nước chảy ra, họ lấy uống thấy không chết, mà có mùi như mùi rượu nên rủ nhau lấy về uống thay rượu. Thế rồi cái thứ rượu trời cho ấy được mọi người ca tụng và lan tỏa ra khắp các vùng.
Thường mỗi cây đoác trồng phải ít nhất 3 - 5 năm mới cho nước uống được. Mỗi buồng trên cây có rất nhiều quả. Quả chín đen người ta để làm giống.
Các công đoạn lấy rượu từ cây đoác mang về đơn giản, chỉ cần dùng dao rạch một chỗ trên cái túi cho nước chảy theo ống lồ ô dẫn xuống can hoặc chai. Trong chai hoặc can đã có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho rượu thêm ngọt, thêm nồng. Mỗi buồng quả thường lấy được 20-30 lít rượu.
Ông Bhnướch Vớt ở xã A Roàng, kể: Khi tìm thấy cây đoác thân lớn, già ưng ý, dùng rựa dọn sạch cây leo, lá bụi bám quanh cây. Với những cây đoác cao thì phải lấy rượu từ trên cây.
Dựa vào bẹ lá cây đoác khá chắc, mình cho làm giàn (như nhà sàn) ở trên cây, lấy dao sắc cắt một đường ngang ở ngọn cây, dùng nilon bịt đầu lại phòng khi nước mưa, sương sớm vào làm nhạt rượu, để như thế một tuần sau đó dùng ống tre lồ ô chọc vào vết cắt cho rượu chảy từ vết cắt vào can.
Công đoạn cắt ngọn cây đầu tiên được làm khá tỉ mỉ làm sao cho ngọn cây đoác không bị thối, cho được nhiều rượu trong nhiều tháng sau đó. Nếu cây đoác lâu năm, thân tốt, sau tuần đầu, ngày đầu tiên hứng rượu có thể cho cả chục lít.
Rượu đoác được lấy hoàn toàn từ tự nhiên, không pha một hoá chất nào, vì thế người uống không đau đầu, không say bí tỷ, không độc hại...
Văn Trương