Người nuôi tôm ở Trà Vinh hớn hở vì trúng mùa, trúng giá. |
Biến bại thành thắng
Năm 2010 được coi là có nhiều diễn biến bất ngờ đối với phong trào nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh. Bởi ngay ở thời điểm đầu vụ thả nuôi con giống, tôm nuôi phát dịch bệnh và lây lan nhanh trên diện rộng.
Kỹ sư Nguyễn Thái Hòa - Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Trà Vinh nhận định, thiệt hại ở giai đoạn đầu là trên 90% số hộ thả nuôi trước lịch thời vụ đã khuyến cáo. Để khắc phục kịp thời, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp đối với các vùng nuôi tôm trọng điểm. Trong chiến dịch này, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Trà Vinh, đã tổ chức được khoảng 300 lớp tập huấn với hơn 10.000 lượt hộ nuôi tôm tham dự.
Những giải pháp cấp bách và kịp thời mà các ngành thực hiện đã đem đến sự thành công vượt sự mong đợi. Anh Nguyễn Văn Đệ ở ấp Lạc Thạnh A (xã Thạn Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) vừa thu hoạch xong 4 ao với hơn 6 tấn tôm thương phẩm vui mừng cho biết: “Năm nay có nhiều điều quá bất ngờ, ở đầu vụ khu vực này tôm bị thiệt hại nhiều lắm.
Nhưng giờ tôm cho sản lượng khá, bán cũng được giá không chỉ tôi mà nhiều hộ nuôi tôm khác ở đây đều phấn khởi lắm”.
Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Đánh giá về vụ nuôi tôm năm nay, ông Phạm Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho chúng tôi biết: “Vụ nuôi tôm năm nay ở xã Mỹ Long Nam cho đến giờ này đã có khoảng 70% số hộ thu hoạch. Trong đó tỷ lệ hộ có lãi chiếm hơn 90%. Số hộ lãi từ 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng chiếm khá cao”.
Trong vụ nuôi tôm sú này, Trà Vinh có hơn 22.600 lượt hộ thả nuôi khoảng 1,6 tỷ con giống tôm sú, với diện tích 23.541ha mặt nước. Theo thống kê sơ bộ, hiện sản lượng tôm thương phẩm đã thu hoạch trong tỉnh đạt 13.748 tấn.
Nhận định về thành công bước đầu của phong trào nuôi tôm năm nay, ông Nguyễn Trung Dũng - Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Ngang cho biết: Nếu thời tiết thuận lợi thì vụ tôm năm nay huyện Cầu Ngang có khả năng cho sản lượng từ 13.000 - 14.000 tấn tôm thương phẩm, cao hơn sản lượng tôm thu hoạch năm 2009 từ 3.000 - 4.000 tấn.
Một số hộ nuôi tôm ở Trà Vinh khi thu hoạch xong đã tiếp tục thả nuôi con giống với mong muốn thu được lợi nhuận cao. Anh Nguyễn Văn Đông ở ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho hay: Thấy lợi nhuận được nhiều, bà con ở đây ai cũng mừng, nên quyết định làm thêm vụ nữa”.
Hiện nay mặc dù đã chấm dứt lịch thời vụ thả nuôi con giống tôm sú, thế nhưng mỗi tuần đều có cả trăm hộ tiếp tục thả nuôi con giống đợt 2, nhất là đối với các hộ nuôi tôm theo hình thức bán công nghiệp và quảng canh, quảng canh cải tiến. Điều này cho thấy, lợi nhuận từ nuôi con tôm sú đã thật sự tạo nên một áp lực cho vấn đề quản lý vùng nuôi.
Sự lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn các mầm bệnh nguy hiểm có thể lưu truyền, ảnh hưởng đến vụ nuôi tôm năm 2011 ở tỉnh Trà Vinh là có cơ sở. Vấn đề đặt ra là bà con nuôi tôm nên tính toán và cân nhắc để lựa chọn mùa vụ thả nuôi con giống phù hợp. Việc tiếp tục thả nuôi con giống không đúng mùa vụ sẽ tạo điều kiện cho các mầm bệnh có thể lưu truyền trong điều kiện tự nhiên, nhất là sự ô nhiễm từ chất thải trong các ao nuôi chưa kịp phân hủy.
Bảo Long