Chuồng bò thay cho... nhà máy
Khu công nghiệp Bình Minh (xã Hòa Mỹ, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) theo quy hoạch rộng 131,5ha, nhưng hiện chỉ có một vài nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy, còn lại hầu hết diện tích đều bị bỏ hoang và cỏ mọc um tùm.
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi trở lại nơi này và ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy hàng trăm con trâu, bò đang nhởn nhơ gặm cỏ trong KCN. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có hàng chục hộ dân sống xung quanh KCN đang sở hữu những đàn bò lên đến vài trăm con và họ biến nơi này này thành những chuồng nhốt trâu, bò…
Chăn nuôi trâu bò ở Khu công nghiệp Bình Minh. |
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiên ở ấp Mỹ Hưng 2 (xã Hòa Mỹ) cho biết: “Cứ 4 giờ sáng là người dân lùa trâu, bò ra đây cho ăn cỏ. Do đồng cỏ ở KCN quá lớn nên người dân thả lan đến chiều, tối lại lùa về”. Đã 8 năm quy hoạch xây dựng KCN Bình Minh trôi qua, đây cũng là thời gian người dân đem trâu, bò về đây chăn nuôi. Hầu hết những người nuôi trâu, bò là những hộ dân bị mất đất sản xuất do quy hoạch xây dựng chính KCN này.
Ông Nguyễn Văn Sơn trước đây có 3 công đất ở ấp Mỹ Hưng 2 bị thu hồi, được bồi thường khoảng 100 triệu đồng. Ông Sơn cho biết: “Thấy đồng cỏ ở KCN nhiều quá, nên tôi mua bò về nuôi, bà con xung quanh ai cũng mua nên số lượng đã tăng lên rất nhanh”. Bây giờ đàn bò của gia đình ông Sơn đã tăng lên 13 con sau mấy năm thả nuôi ở đồng cỏ trong KCN.
Tại KCN Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) có nhiều diện tích đất đã san lấp mặt bằng nhưng không có nhà đầu tư vào, bỏ hoang cho cỏ mọc. Người dân thấy cỏ nhiều nên đến làm chuồng, nuôi bò.
Gia đình ông Hồng Ngọc Thanh Long ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ chọn KCN này làm bãi nuôi nhốt bò đã 3 năm nay. Trước đây, đàn bò của ông Long chỉ 10 con, sau mấy năm đã tăng lên 37 con. Theo ông Long, lượng cỏ nơi đây còn rất lớn, nên đàn bò cả trăm con ăn hoài không hết. “Cát mới bơm vẫn còn nhiều chất phù sa nên cỏ… phát triển rất nhanh” - ông Long nói.
Khá giả nhờ “đồng cỏ” ở khu công nghiệp
Gia đình ông Tạ Minh Phương ở ấp Mỹ Hưng 2 (xã Hòa Mỹ, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã ăn nên làm ra nhờ đồng cỏ ở KCN Bình Minh. 7 năm qua, gia đình ông Phương đã “gây dựng” được một đàn trâu lên đến 31 con, trong đó có 12 con mua từ vùng biên giới về đây làm điểm tập kết để vỗ béo rồi bán kiếm lời.
Khó thu hút các nhà đầu tư
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Hoàng Học – Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “KCN Bình Minh từ khi quy hoạch đến nay việc thu hút đầu tư còn rất hạn chế. Nhiều diện tích đất còn trống để cỏ mọc nên người dân vào chăn nuôi trâu, bò. Người dân có đất trong khu quy hoạch bức xúc là hoàn toàn chính đáng. Tỉnh và nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN cũng đang rất nóng lòng thu hút đầu tư để lấp đầy. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn”. Theo ông Học, sắp tới, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN là Công ty Địa ốc Hoàng Quân sẽ tổ chức mời một số doanh nghiệp ở các tỉnh trong khu vực đến để giới thiệu, mời gọi đầu tư…
Cánh đồng cỏ ở KCN này còn rộng bao la để làm chỗ chăn thả hàng trăm con trâu, bò. Cũng vì thế, gia đình ông Phương và rất nhiều người dân khác ở đây mong KCN này tiếp tục… bỏ hoang để họ có chỗ chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Còn gia đình ông Long ở gần KCN Sông Hậu mới xuất chuồng bán 8 con bò thịt, thu về gần 100 triệu đồng. Ông Long cho biết:
“Quả thực, việc KCN bỏ hoang cũng là “cơ hội” cho những người nông dân chúng tôi có đất để mở rộng chăn nuôi. Chứ bình thường, lấy đâu ra đất rộng thế để mà nuôi bò”.
Theo dự định của ông Long, nếu KCN này còn tiếp tục bỏ hoang, tới đây ông sẽ tăng đàn bò của mình lên 100 con để chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung.
Ông Trương Văn Lợt – Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết: “Nghề nuôi trâu, bò của bà con ở gần KCN Bình Minh chỉ mới xuất hiện vài năm nay.
Nguyên nhân là do KCN chưa xây nên người dân tận dụng để chăn nuôi trâu, bò”. Theo ông Lợt, việc chăn nuôi trâu, bò ở các KCN rất thuận tiện nhờ vào nguồn cỏ dồi dào. Người dân chỉ cần đầu tư nguồn con giống, nên tỷ lệ lời rất cao.
Vì thế, nhiều hộ dân lúc đầu chỉ có vài ba con bò, sau vài năm đã phát triển lên hàng chục con. Nhiều hộ gia đình có kinh tế khá giả nhờ vào chăn nuôi bò ở KCN.
(Còn nữa)
Hoàng Mai