Ông Hoàng Mạnh Quân - Giám đốc CIRD cho biết, nhiều nơi GĐGR rất hình thức, đó là chỉ giao trên giấy tờ, chủ rừng chưa xác định được ranh giới cụ thể, diện tích, hiện trạng trên bản đồ và thực địa. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm hoặc không được thực hiện, nhất là đối với các trường hợp giao rừng tự nhiên.
Phá rừng để làm rẫy diễn ra phổ biến.
Ông Nguyễn Xuân Vỹ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Phần lớn diện tích đất rừng giao cho dân là đất trống, đồi núi trọc, hoặc rừng tự nhiên nghèo kiệt, còn rừng tự nhiên có trữ lượng trung bình và giàu chủ yếu do các tổ chức của Nhà nước quản lý. Trong khi đó, quyền lợi của chủ rừng chưa được quy định rõ ràng nên họ chưa đầu tư vào bảo vệ và làm giàu rừng được giao. “Việc hưởng lợi hầu như chưa có mặc dù chủ rừng đã đề nghị bằng văn bản nhiều lần nhưng chưa được giải quyết”- ông Vỹ phản ánh.
Nhiều đại biểu khác khẳng định, do người dân được giao rừng nghèo kiệt nên không thu được nguồn lợi gì, dẫn đến việc phá rừng để trồng rừng, phá rừng làm rẫy, hoặc trả lại rừng được giao. Theo ông Đặng Văn Kiệm (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế), ngoài xúc tiến thay đổi chính sách trong việc quy định địa vị pháp lý của cộng đồng, thay đổi và bổ sung Nghị định 88/2009/NĐ-CP để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư, vấn đề cần kíp hiện nay là cần ban hành cơ chế hưởng lợi cho chủ rừng và thể chế hóa bằng văn bản pháp quy.