Lãnh hải của Tổ quốc đang được gìn giữ bằng những “chợ” nổi giữa đại dương như vậy.
Sau hai lần bị hoãn do biển động sóng lớn, đến ngày 8.8, niềm hân hoan như vỡ òa trong tôi khi biết mình sắp được cùng chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất nhì miền Trung cưỡi sóng tiến thẳng ra Hoàng Sa…
Vận chuyển hàng lên tàu trước khi ra khơi. |
Vững chãi
Với chiều dài 26,3m, cao hơn 6m và bề rộng hơn 6m, con tàu dịch vụ Đna - 90444 do anh Lê Văn Sang (SN 1985, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) làm chủ, hoành tráng như một pháo đài trên biển. Theo anh Sang, để hoàn thành nó, phải tốn 100m3 gỗ kiền kiền loại tốt nhất cùng 15 thợ tay nghề bậc cao ròng rã làm việc trong 3 tháng trời. Với dáng vóc “cường tráng”, con tàu có thể cõng theo 160 tấn hàng hóa các loại. Để đáp ứng được trọng tải này, anh Sang đã cho lắp 3 chiếc máy tàu hiệu Mitsubishi với tổng công suất 1.200CV.
Khi hoạt động trên biển, với 27 khoang chứa hàng, con tàu đủ sức chứa 1.500 cây đá cùng 7.000 lít dầu và hơn 20 tấn lương thực khác. Với bấy nhiêu nguyên nhiên liệu cũng đủ cho 3 - 4 chiếc tàu đánh bắt xa bờ cỡ lớn hành nghề trên biển trong cả tháng. “Tàu của tôi có thể ra khơi khi biển có sóng cấp 7-8” - anh Sang cho biết.
Chuyến ra biển lần này, tàu anh Sang chở theo 1.000 cây đá, 5.000 lít dầu và nhiều hàng hóa khác.
Ra khơi
Khi hàng hóa và nhiên liệu các tàu bạn đặt hàng đã được đưa lên tàu đầy đủ, anh Sang cho tập trung tất cả 15 ngư dân để tính toán lượng tổn phí cho chuyến đi lần này. Đây là chuyến đi khá dài ngày so với những chuyến đi trước, nên gạo muối, mắm cũng như bia rượu được mang theo nhiều hơn. “Riêng đồng chí nhà báo thì ưu tiên riêng cho 2 con gà và một bao thuốc chống say” - anh Sang cười to nói với tôi.
Công việc chuẩn bị cuối cùng đã hoàn thiện, chú em nhỏ nhất tàu đưa một mâm hoa quả cùng vài lon bia ra trước mũi tàu thắp mấy nén hương cầu cho chuyến đi bình yên và thuận lợi. Khi ánh hoàng hôn đỏ dịu phía cuối chân trời, anh Sang mở máy cho tàu lướt nhè nhè ra khỏi âu thuyền Thọ Quang.
Cái mùi tanh hăng hắc của âu thuyền đã mất dần và nhường cho mùi tinh khôi của biển. Đi mãi 30 phút vẫn chưa ra khỏi vịnh Đà Nẵng, tôi liền hỏi anh Sang sao tàu máy lớn mà chạy chậm vậy, Sang cười: “Ở trong vịnh có nhiều ghe nhỏ đi không có đèn nên phải chạy chậm. Nếu chạy nhanh rất dễ va vào mấy chiếc ghe này. Chuyện tàu lớn đâm ghe xảy ra thường xuyên tại đây vì các thuyền trưởng các tỉnh bạn tới đây không để ý...”.
Bất ngờ bộ đàm của tàu vang lên liên hồi: 97, 97, 97… Do chú ý đến mấy chiếc ghe nhỏ nên hồi lâu Sang mới trả lời: “Nghe đây, 97 nghe đây!”. Đầu dây bên kia: “Đi tới đâu rồi 97, mấy giờ thì tới? Ông mà ra muộn, cá tui chết hết đó nghe”. “Khoảng 1 giờ tới 93 ơi, yên tâm đi!” - Sang trả lời.
Hai bên tàu ánh đèn của cầu Thuận Phước cùng cảng Tiên Sa về đêm hiện lên lung linh huyền ảo. Vịnh Đà Nẵng như vòng tay lớn mở toang ra cho những đứa con ra khơi hái lộc biển. Sóng biển lắc lư làm tôi có cảm giác lâng lâng như say rượu.
Tiếng máy rền rền đưa tàu tiến thẳng Hoàng Sa…
Đình Thiên