Dân Việt

Tiết lộ bí mật về hệ thống tình báo Mỹ

20/07/2010 05:37 GMT+7
(Dân Việt) - Theo phóng sự điều tra của tờ “Bưu điện Washington” ngày 19-7, Chính phủ Mỹ đã xây dựng một hệ thống tình báo quá lớn và phức tạp nhưng không đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ người dân.

Tờ "Bưu điện Washington” cho biết, Washington đã tạo ra một guồng máy tình báo tối mật sau vụ tấn công khủng bố tại New York ngày 11-9-2001. Tuy nhiên hiện nay, bộ máy này đang trở nên cồng kềnh, khó điều khiển và quá bí mật, đến mức không một ai có thể biết được guồng máy này tiêu tốn bao nhiêu chi phí, có bao nhiêu nhân viên và cơ quan hoạt động trong hệ thống này. 

img
Hệ thống tình báo Mỹ được đầu tư mạnh sau sự kiện 11-9

Cuộc điều tra kéo dài 2 năm qua của tờ “Bưu điện Washington” cho thấy, sau 9 năm tồn tại và phát triển, hệ thống tình báo của Mỹ đã phình ra một cách khác thường trong khi hiệu quả hoạt động không như những gì được trông đợi.

Hiện có khoảng 1.271 tổ chức chính phủ và 1.931 công ty tư nhân làm việc trong các chương trình chuyên về chống khủng bố, an ninh nội địa và thông tin tình báo. Số lượng tổ chức khổng lồ này trải dài tại 10.000 địa điểm trên khắp nước Mỹ.

Tờ báo cho biết thêm, ước tính có khoảng 854.000 người đã và đang hoạt động trong guồng máy cồng kềnh này. Tại thủ đô Washington và các khu vực lân cận, 33 tòa nhà đã và đang được xây dựng dành riêng cho hoạt động tình báo tối mật với diện tích sử dụng còn lớn hơn cả khu tổ hợp quốc phòng Lầu Năm Góc hay các tòa nhà ở đồi Capitol.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã huy động 51 tổ chức liên bang và các trung tâm quân sự lần theo dấu nguồn tiền mà những mạng lưới khủng bố được cung cấp hoặc sử dụng.

Mỗi năm, có khoảng 50.000 báo cáo được hệ thống tình báo Mỹ công bố ra dư luận. Tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi tập trung xử lý hơn 2/3 chương trình tình báo, lại chỉ có một số ít quan chức cao cấp có khả năng biết về các hoạt động bí mật.

Câu hỏi đặt ra là với mức độ tinh vi và phức tạp như vậy, song bộ máy tình báo này vẫn không thể ngăn chặn các vụ việc như vụ nổ súng tại căn cứ quân sự Mỹ ở Fort Hood ngày 5-11-2009, làm 13 người thiệt mạng.

Âm mưu đánh bom ngày Giáng sinh cùng năm của một kẻ tình nghi khủng bố đã được ngăn chặn kịp thời, song không phải do sự phát hiện của hàng nghìn nhân viên tình báo nhận lương hậu hĩnh, mà lại do một hành khách đã cảnh giác báo cho nhà chức trách khi thấy khỏi bốc lên từ ghế ngồi của tên này trên máy bay.

Mới đây nhất là âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại ở thành phố New York. Nếu không có sự cảnh giác cao độ của người dân và một nhân viên cảnh sát bình thường, thì không thể biết hậu quả sẽ lớn tới đâu khi chiếc xe chở bom đó phát nổ.

Cuộc điều tra của tờ “Bưu điện Washington” được tiến hành dựa trên những tài liệu và hợp đồng do chính phủ Mỹ cung cấp, các bản mô tả công việc, băng ghi âm và hàng trăm cuộc phỏng vấn với các quan chức đương nhiệm hoặc đã về hưu.