Thu mua lúa gạo tại kho Công ty Lương thực Sông Hậu 2. |
Khi chính quyền “sốt ruột” với dân…
TP.Cần Thơ có diện tích lúa hè thu ước tính trên 84.000ha. Thống kê sơ bộ của ngành NN&PTNT thành phố đã có hơn 71.000ha lúa thu hoạch dứt điểm với năng suất 5,2 tấn/ha. Theo khảo sát của Sở Công Thương thành phố, tổng sản lượng lúa tồn trong dân hiện lên đến gần 540.000 tấn hè thu (chưa tính lượng lúa tồn đọng từ vụ đông xuân chuyển sang – PV) và tổng lượng lúa tồn trong kho các doanh nghiệp cũng đã lên đến trên 330.000 tấn.
Từ ngày 15-7 - thời điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc thu mua tạm trữ có hiệu lực, tình hình triển khai thu mua, tiêu thụ lúa trong dân đã bắt đầu có chuyển biến tích cực. Ngày 19-7, đại diện Công ty Lương thực Sông Hậu (đơn vị nhận chỉ tiêu thu mua tạm trữ 20.000 tấn gạo), cho biết:
Trong tháng 6 vừa qua, Công ty đã thu mua tổng cộng 10.000 tấn, dù thời điểm đó chưa có chỉ đạo thu mua tạm trữ. Ước tính hết tháng 7 này, Công ty cho nhập kho không dưới 5.000 tấn gạo hè thu, kể cả giống phẩm chất thấp như IR50404.
Công ty Gentraco cho biết từ tháng 5 đến nay Công ty đang triển khai thu mua đều đặn từ 7.000 – 9.000 tấn/tháng. Ước tính trong tháng 7 này lượng thu mua cũng sẽ đạt khoảng 10.000 tấn. Cùng thời điểm này, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ - Nông trường Cờ Đỏ, (được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 10.000 tấn gạo) cho biết vừa triển khai thu mua lúa của dân với lượng nhập kho từ 3.000 – 5.000 tấn trong tháng 7 này…
Tại cuộc họp hôm qua, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, khẳng định: Toàn địa bàn thành phố có 9 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ 95.000 tấn gạo, nếu có làm tốt thực chất vẫn chưa mua hết lúa trong dân. Cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thu mua, vì lượng lúa tồn trong dân còn quá lớn, giá cả bất lợi. Nhiều doanh nghiệp có kho tàng, năng lực tốt, nhưng chỉ tiêu được VFA giao thu mua tạm trữ lại quá thấp, thu mua chậm chạp…
Doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn
Ngày 19-7, giá lúa ở Sóc Trăng nhích lên từ 200-300 đồng/kg, cao hơn tuần trước. Ông Nguyễn Văn Thạo ở xã Long Tân, huyện Ngã Năm, cho biết: Hiện tại, giá lúa Hàm trâu sau khi suốt xong bán cho thương lái tại chỗ là 3.200-3.00đồng/kg, còn lúa khô bán được 3.600đồng/kg. Một số gia đình còn lúa vụ đông-xuân để lại bán được giá 4.400đồng/kg. Với giá bán này, người trồng lúa may lắm là hòa vốn, nhiều hộ bị lỗ.
Theo khảo sát của NTNN, hiện tại giá lúa cao nhất mua tại cảng các nhà máy của TP.Cần Thơ cũng chỉ dao động từ 3.000 – 3.500 đồng/kg, bất chấp UBND thành phố vừa ra văn bản chỉ đạo, việc thu mua lúa hè thu trong dân trên địa bàn phải áp dụng mức giá “sàn”: Không thấp hơn 4.500 đồng/kg để đảm bảo nông dân có lãi 30%.
Ông Lê Minh Trượng - Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, khẳng định: “Chúng tôi chỉ có thể áp dụng mức thu mua 3.500 đồng/kg vì chất lượng lúa vụ hè thu, đặc biệt là IR50404 quá thấp, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…”.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng tình và bày tỏ, việc áp dụng mức giá 4.500 đồng/kg như chỉ thị là quá “đánh đố”, không thể thực thi vì đầu ra xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện rất khó khăn, giá cả không thuận lợi.
Giá gạo xuất khẩu trung bình đã giảm từ 500 USD/tấn xuống còn 300 USD/tấn loại 15% tấm). Do đó, các doanh nghiệp thực chất đang chịu lỗ khá nặng từ việc thu mua tạm trữ lúa đông xuân (giá thu mua cao) mà phải xuất khẩu với giá thấp như hiện tại.
Chia sẻ khó khăn này, ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương thành phố, nói:
“Chúng tôi sẽ có kiến nghị lên UBND thành phố, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tính toán giá thu mua tạm trữ và giá xuất khẩu sao cho phù hợp hơn. Làm sao vừa đảm bảo nông dân có lãi mà doanh nghiệp không bị lỗ…”.
Quốc Huy