Dân Việt

Làm sống lại nghề dệt Phùng Xá

01/07/2012 12:34 GMT+7
(Dân Việt) - Nghề dệt ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) có từ năm 1929 và theo biến cố của lịch sử, làng nghề đã có thời kỳ mai một. Những năm gần đây nhờ chú trọng đào tạo nghề, nghề dệt ở Phùng Xá đã trỗi dậy phát triển mạnh mẽ.

Thăng trầm làng nghề

Làng nghề Phùng Xá phát triển nhất từ năm 1986 đến năm 1992. Thời gian này, làng có hàng trăm hộ làm nghề dệt, sản phẩm cũng đa dạng hơn chủ yếu là lụa, satanh và đã xuất hiện các sản phẩm khăn bông với nhiều kích cỡ khác nhau. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được tư thương đưa đi khắp nơi, đâu đâu cũng có các mặt hàng dệt của Phùng Xá.

img
Công nhân làm việc tại công ty của chị Nguyễn Thị Tuyết.

Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, nhiều HTX dệt ở Phùng Xá phải giải thể do không có đầu ra, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng dệt may khác. Nhưng, nhiều hộ gia đình vẫn nặng lòng với nghề. Ông Nguyễn Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết: "Nhờ những cụ cao niên giữ nghề, nên Phùng Xá mới có điều kiện để vực lại làng nghề truyền thống".

Không sợ thất nghiệp

Ngoài tổ chức dạy nghề theo Đề án 1956, huyện Mỹ Đức và xã Phùng Xá còn lồng ghép các chương trình, phối hợp với các tổ chức như Hội ND, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để dạy nghề cho người dân. Theo ông Kiên, riêng nghề dệt, hiện xã có khoảng 30 doanh nghiệp tư nhân, 13 công ty cổ phần sản xuất với quy mô hơn 2.000 máy dệt; 3.760/4.570 lao động của xã (82% số lao động) tham gia nghề dệt.

Dẫn chúng tôi đi thăm những xưởng sản xuất ở thôn Thượng, ông Kiên cho hay: "Những năm gần đây, mỗi năm xã mở 10 lớp dạy dệt may cho từ 300 - 400 lao động; thu nhập trung bình của lao động dệt từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng".

“Những năm gần đây, mỗi năm xã mở 10 lớp dạy dệt may cho từ 300 - 400 lao động; thu nhập trung bình của lao động dệt từ 2-3 triệu đồng/người/tháng".

Chị Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Công ty Dệt may Hoàng Tá Hotatex cho biết: Xưởng của chị có 8 máy dệt và 8 máy may đang tạo việc làm cho 15 lao động. Sản phẩm chủ yếu xuất đi Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc và nhiều nhất là Đài Loan. Chị cũng vừa được xã cấp cho 1.000m2 để mở nhà rộng xưởng.

Chị Tuyết phấn khởi cho hay: "Tháng 7 tới xưởng mới đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 40 lao động. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận học viên vào vừa học vừa làm". Em Nguyễn Thị Vân, công nhân đang làm tại xưởng dệt của chị Tuyết chia sẻ: "Mỗi người làm một công đoạn, người thì cắt, may khăn, người đóng hàng... Công việc của em là trực kiểm tra máy hoạt động, nối chỉ đứt. Vì nơi làm việc gần nhà không phải thuê trọ, nên mỗi tháng em tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng".