"Hiệp ước quốc phòng thủ song phương của chúng tôi cho phép hành động phối hợp nếu Philippines hoặc Mỹ bị tấn công", ông Albert del Rosario cho biết, trong bối cảnh căng thẳng đang tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.
"Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Philppines hoặc đồng minh hiệp ước của chúng tôi (Mỹ), Mỹ sẽ được phép sử dụng các căn cứ quân sự chúng tôi", Ngoại trưởng Philippines nói.
Bán đảo Triều Tiên ngập không khí căng thẳng quân sự và những đe dọa về chiến tranh hạt nhân kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái và vụ thử hạt nhân hồi tháng 2.
Hôm 12.4, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết chính phủđã chuẩn bị thực hiện "các biện pháp đặc biệt", trong đó có việc cho phép các căn cứ quân sự tại nước này, trong trường hợp xảy ra tình hình khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Philippines là các đồng minh theo một hiệp ước phòng thủ chung ký kết năm 1951.
Vào đầu những năm 1990, các lực lượng Mỹ đã rút khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic do những bất đồng về giá cả.
Những trong những năm gần đây, Philippines đã tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ trong bối cảnh Manila vướng vào tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Một số căn cứ quân sự của Philippines được sử dụng trong cuộc tập trận chung "Vai kề vai" đang diễn ra giữa Mỹ và Philippines. Lầu Năm Góc đã triển khai nhiều máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet cho cuộc tập trận này.
Hơn 8.000 binh sĩ Mỹ và Philippines đang tham gia cuộc tập trận kéo dài 12 ngày, dự kiến kết thúc vào giữa tuần tới.