Nhiều người nông dân đã tâm sự, họ rất cảm ơn Phó Thủ tướng, vì nhờ dẹp được gà lậu mà việc chăn nuôi của họ đã thuận lợi hơn rất nhiều, từ chỗ bị thua lỗ do gà lậu chèn ép, nay đã có lãi.
CSGT Công an Quảng Ninh bắt giữ 1 xe ôtô chở gà lậu trên Quốc lộ 18. |
Đã có thời chợ gia cầm đầu mối Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) được coi là “ổ” buôn bán gà lậu với hàng trăm tấn gà loại thải từ Trung Quốc đưa đưa về đây để “phân loại” rồi đưa đi các nơi khác tiêu thụ. Thậm chí, các đối tượng còn ngang nhiên vận chuyển gà lậu về đây giữa ban ngày bất chấp sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Trước tình hình đó, từ tháng 11.2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ Công an phối hợp để chấm dứt tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu tại đây. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, từ chỗ mỗi ngày có tới cả 90-100 tấn gà loại thải Trung Quốc được đưa về đây đã giảm chỉ còn 3-5 tấn/ngày.
Lần đầu tiên tịch thu ô tô chở gà lậu
Mới đây, TP. Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Cục Cảnh sát môi trường, Phòng An ninh kinh tế điều tra, xác minh, xử lý vụ việc kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 98C-02077 gắn biển kiểm sóat giả 29X-1702 ngày 15.12.2012 chở 4.706 con gà giống Trung Quốc và vụ xe ô tô biển kiểm soát 29X-1702 ngày 22.1.2013 chở 2,5 tấn gà không rõ nguồn gốc. Căn cứ hành vi vi phạm, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu phương tiện xe ô tô BKS 98C-02077 và tạm giữ xe ô tô BKS 29X-1702 trong 60 ngày để phục vụ điều tra và xử phạt hành chính lái xe và chủ hàng theo quy định của pháp luật.
Để “thị sát” tình hình thực tế về buôn bán gia cầm nhập lậu ở đây, liên tục trong các ngày từ 14 đến 15.4, phóng viên NTNN đã có mặt tại chợ Hà Vỹ để nắm tình hình thực tế và nhận thấy, ở chợ này hiện đã sạch bóng gia cầm nhập lậu. Hầu hết, các hộ kinh doanh ở đây đều đã nhận thấy sự nguy hiểm của việc buôn bán gia cầm lậu.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Hà Nam) cho biết: “Gà, vịt của chúng tôi bán ở đây toàn là gà chuẩn, khỏe mạnh, được chở từ Bình Lục (Hà Nam) đến đây để bán, chứ không có chuyện gà buôn lậu đâu. Bây giờ buôn mấy con gà lậu lời lãi cũng chẳng được là bao, mà đến lúc bị bắt thì coi như hết đường kinh doanh”.
Bà Nguyễn Thị Phương (quê Vĩnh Phúc) cũng khẳng định luôn: “Gà, vịt mua ở hàng tôi giá cả vừa phải, còn về chất lượng thì cứ yên tâm, khỏi lo vì gia cầm đều được chúng tôi mua ở các các vùng quê về bán chứ không có chuyện nhập lập từ Trung Quốc về bán đâu”.
Tại Hà Nội, thị trường tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm lớn nhất miền Bắc, việc kinh doanh gia cầm ở các chợ đầu mối đã được kiểm soát tốt. 100% số hộ kinh doanh gia cầm đã ký cam kết không kinh doanh gà thải loại không rõ nguồn gốc và 15/16 hộ đã chuyển sang kinh doanh gà Việt Nam.
Xác định rõ đối tượng buôn lậu gia cầm
Tính đến nay, sau 3 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, theo báo cáo của 18 tỉnh, thành phố và các Bộ Công thương, NNPTNT, Công an, về cơ bản tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc đã được kiểm soát.
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, Hải quan đã thu giữ 78.273kg gà thịt, 300.369 con gà giống Trung Quốc, 461.059 quả trứng gia cầm, 1.558 con chim bồ câu Trung Quốc, 6.560 kg sản phẩm gia cầm đông lạnh, 7.810 kg sản phẩm gia cầm. Tổng số hàng hóa vi phạm xử lý tịch thu, tiêu hủy đạt giá trị tới gần 600 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.
Một số tỉnh sát biên giới, vốn là địa bàn trọng điểm trong việc buôn lậu và vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đã giảm được trên 90% số lượng nhập khẩu so với trước.
Đặc biệt, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49- Bộ Công an) đã ban hành văn bản chỉ đạo các lượng lượng thuộc tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm tổ chức lên danh sách, rà soát các đường dây, đối tượng hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, xác định cụ thể tên, địa chỉ 123 đối tượng; tuyến, địa bàn hoạt động; phương tiện vận chuyển; kho bãi, điểm tập kết; địa điểm tiêu thụ…phối hợp với chính quyền, công an cơ sở trực tiếp gặp gỡ, giáo dục, yêu cầu viết cam kết không tham gia mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Đến nay Công an các địa phương đã xác định được 84/123 đối tượng (bằng 68%) đã chấm dứt hoạt động, 39/123 đối tượng (bằng 32%) còn biểu hiện hoạt động nhưng chủ yếu hoạt động nhỏ, lẻ, diễn ra không thường xuyên, tại khu vực giáp biên.
Nhờ việc ngăn chặn được gia cầm nhập lậu, tính từ đầu tháng 12.2012 đến đầu tháng 3.2013, lực lượng chức năng đã kiểm dịch 630 chuyến xuất bán gà đồi Yên Thế đi các thị trường với tổng lượng tiêu thụ khoảng trên 3,2 triệu con, tương đương khoảng 5.760 tấn. Trong đó, thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 1,8 triệu con, tương đương khoảng 3.200 tấn, chiếm 56% tổng số lượng tiêu thụ, còn lại là các thị trường Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định…
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Khải - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ (Yên Thế, Bắc Giang) bày tỏ, năm 2012 vừa qua, giá gà vào thời điểm tháng 5, có lúc chỉ được 40.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ chăn nuôi thua, lỗ phải bỏ chuồng trại. Nhưng nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương vào cuộc ngăn chặn gà lậu, giá gà đã tăng lên gấp đôi, trung bình 80.000 đồng/kg.
"Giá gà tăng cao có thể do nhiều yếu tố, nhưng theo tôi lý do quan trọng nhất là Chính phủ, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã vào cuộc để quyết tâm ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia cầm khiến cho tỷ lệ gà lậu giảm đáng kể, đẩy giá gà trong nước tăng lên nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Không chỉ có người dân ở Yên Thế chúng tôi mà người chăn nuôi trên cả nước chính là những người được hưởng lợi"- ông Khải nói.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 tháng thực hiện phương án ngăn chặn việc kinh doanh gà nhập lậu trên địa bàn Hà Nội và 1 tháng triển khai Đề án 2088 phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, 3 tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh cần đặc biệt lưu ý những thủ đoạn vận chuyển tinh vi của các đầu nậu, trong đó thủ đoạn vận chuyển tinh vi bằng... đường biển.
Hải Hà