Dân Việt

Giữ lạm phát 9%, tăng trưởng 6%

21/04/2012 06:15 GMT+7
(Dân Việt) - Trong ngày 20.4, ngày làm việc cuối cùng, UBTVQH đã thảo luận về báo cáo bổ sung của Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2011 và kế hoạch năm 2012.

Lạm phát ở mức nào là hợp lý?

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2011 và kế hoạch năm 2012 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy về dự báo mức lạm phát có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Trong khi Chính phủ đề ra mục tiêu giữ lạm phát ở mức 8 – 9% thì một số ý kiến cho rằng lạm phát nên giữ ở mức 6%, số ý kiến khác cho rằng nên từ 7 – 9%.

img
Xăng dầu liên tục tăng giá ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Về cá nhân, ông Giàu phân tích nếu Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát ở mức 8 – 9% thì mục tiêu GDP đạt 6% sẽ khó thành hiện thực và điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội, mục tiêu mà Chính phủ đang quyết tâm hướng tới. Theo ông, Chính phủ có thể đưa chỉ số CPI xuống mức 5% và phải chấp nhận GDP chỉ đạt 4%.

Còn theo ý kiến Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, chỉ số CPI không cần thiết ở mức quá thấp như vậy, có thể ở mức 8 – 9% (Nghị quyết QH đề ra là 10%) là hợp lý. Mức tăng trưởng GDP cũng nên ở mức 5,5% sẽ hài hòa, còn nếu đạt 6% thì quá tốt.

Nhưng ông Vinh cũng băn khoăn, lo lắng: “Quý I vừa rồi, lần đầu tiên xuất siêu tăng, đạt 220 triệu USD. Nghe thì mừng, nhưng nhìn kỹ lại lo vì sản xuất đình đốn, không có nhập hàng. Thêm vào đó, lần đầu tiên GDP tăng hơn CPI. Vĩ mô là tốt, nhưng sâu xa thì không tốt. Nếu không có sự điều chỉnh thì mục tiêu tăng trưởng 6% rất khó đạt”.

Ông Vinh cho biết, Bộ KHĐT đã có đánh giá về sự suy thoái kinh tế và bức tranh tổng thể hết sức khó khăn của hàng vạn doanh nghiệp. “Trung tuần tháng 5, Bộ sẽ có báo cáo Chính phủ và UBTVQH cụ thể về tình trạng này ở từng khu vực, từng loại hình DN để từ đó Chính phủ có chính sách hợp lý” - ông Vinh cho biết.

Phải giải được bài toán khó

Đánh giá của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho thấy, năm 2011 đất nước gặp nhiều khó khăn lớn như lạm phát cao, giá tăng cao. Cuối 2011 lạm phát tăng tới 18%. Các vấn đề bức xúc xã hội nổi lên, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… đều tăng cho thấy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn đối với xã hội.

Chính vì lẽ đó, QH phải đặt ra mục tiêu là ưu tiên kiềm chế lạm phát để không tác động mạnh cả về KT – XH và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Gắn liền với nó là chỉ tiêu lạm phát dưới 10%, năm 2013 - 2015 phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng nếu giữ được ổn định thì giai đoạn 2011-2016 đạt 7% là hợp lý, còn nếu thấp nữa thì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội không bảo đảm.

“Mức giảm thu của ngân sách Nhà nước chứng minh rất rõ sự suy thoái kinh tế. Chưa bao giờ trong những năm gần đây ngân sách Nhà nước giảm, kể cả năm 2009 suy thoái khá nặng nề. Nhưng quý I/2012, nguồn thu nội địa giảm 2,4%, tổng thu giảm 0,4%, thu DN chỉ được 22% trong khi năm 2011 con số này là 27%”.

Về an sinh xã hội, Chủ tịch QH cho rằng trong báo cáo, năm 2011 việc giảm nghèo được thực hiện tốt, cần đánh giá kỹ xem tình hình thất nghiệp trong năm 2011 và quý I/2012 như thế nào bởi riêng quý I/2012 đã có trên 10.000 DN phá sản.

“Ngân hàng dù đã hạ lãi suất cho vay nhưng DN vẫn không tiếp cận được vốn, những khó khăn đó rõ ràng là chúng ta chưa lường hết được” - Chủ tịch QH đánh giá.

Chủ tịch QH cũng nhận định, lúc này chúng ta phải giải bài toán rất khó, phải làm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý để giữ được mức lạm phát chấp nhận được, lạm phát khoảng 9%, tăng trưởng 6%, từ đó chắc chắn an sinh xã hội sẽ bảo đảm.

“Muốn vậy, phải ưu tiên phát triển các ngành nghề trọng yếu, lĩnh vực quan trọng, sàng lọc đầu tư công, đảm bảo tín dụng đi tới đúng chỗ, đảm bảo sao cho tăng trưởng gắn với đời sống người dân” - Chủ tịch kết luận.