Dân Việt

Tình yêu xua bóng tối

An Sơn 23/08/2013 06:59 GMT+7
Vì tình yêu, chị vượt qua sự ngăn cản quyết liệt của gia đình để kết hôn với người đàn ông mù lòa. Rồi tình yêu ấy trở thành nguồn sáng cho người thân và giúp chị không gục ngã trước những bi kịch liên tiếp xảy đến…
Chuyện tình khó tin

Thôn Thủ Lễ Đông của xã Quảng Phước (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) nằm bên con sông nhỏ. Tôi tình cờ tạt vào ngôi nhà xập xệ của gia đình chị Hồ Thị Bồng (SN 1965) khi trong nhà có tiếng người kêu cứu. Trên chiếc giường gỗ xỉn màu, chăn chiếu rách bươm, đứa con gái 12 tuổi Nguyễn Thị Thanh Hồng của chị đang lên cơn co giật. Ngồi cạnh đứa trẻ là người đàn ông mù Nguyễn Lợi - chồng chị - nước mắt chảy dài, tay huơ huơ trong bất lực.

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì thấy chị Bồng chạy hớt hải về nhà, áo quần lấm lem bùn đất. Chị nhanh tay pha thuốc cho con uống rồi thực hiện các thao tác sơ cứu cho đến khi đứa trẻ tỉnh lại. “Tui đang phun thuốc trừ sâu thuê cho người ta thì được hàng xóm báo tin. Nó là đứa thứ hai, bị mắc bệnh động kinh và bị mù lòa, vài bữa lại lên cơn một lần”- chị mở đầu câu chuyện về gia đình mình.

Tình yêu và nghị lực của chị Bồng đã xua đi bóng tối cho gia đình.
Tình yêu và nghị lực của chị Bồng đã xua đi bóng tối cho gia đình.

Chị Bồng quê ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền). Sinh ra trong gia đình khó khăn lại đông con, nên mặc dù rất hiếu học nhưng chị phải sớm rời ghế nhà trường để đỡ đần bố mẹ. Nổi tiếng giỏi việc đồng áng và nết na, đức hạnh, nên từ thuở thiếu nữ chị đã được nhiều chàng trai theo đuổi. Lấy chữ hiếu làm trọng, chị gác lại hạnh phúc riêng tư để gánh vác cơm áo cho gia đình. Bố mẹ chị hết lời khuyên can nhưng không thể làm chị thay đổi quyết định.

Đến năm 35 tuổi, khi gia đình hết cảnh gạo chợ nước sông và các anh chị em của chị đều đã lập gia đình thì chị mới nghĩ đến chuyện tình duyên. Tưởng rằng ở “cái tuổi đuổi cái xuân” ấy chị sẽ ế chồng, nhưng vẫn có nhiều người đàn ông khỏe mạnh, chưa vợ đến cầu hôn chị. Ngày nhà trai đến đặt lễ dạm hỏi, hàng xóm, bạn bè ai cũng đến xem mặt chàng rể. Không ai tin vào mắt mình khi thấy người chồng sắp cưới của chị là anh chàng mù lòa bẩm sinh Nguyễn Lợi - người thường được chị ghé giúp đỡ trong những lần về Quảng Phước làm thuê.

Làng trên xóm dưới xôn xao bàn tán, ai cũng bảo chị “bị điên” nên mới đi lấy người mù làm chồng để tự đẩy cuộc đời mình vào một tiền đồ vô định. Người thân thì trước đó đã ném vào chị những lời lẽ đay nghiến. Nhưng tất cả không thể khiến chị thay đổi lựa chọn của mình. “Tui yêu anh và muốn mình trở thành chỗ dựa để anh vươn lên trong cuộc sống, nên tui bỏ ngoài tai những lời lẽ dị nghị. Phải mất rất nhiều thời gian và nước mắt tui mới thuyết phục được gia đình đồng ý cho lấy anh” - chị nhớ lại.

Bi kịch đeo đẳng

Ngày chị Bồng về làm dâu, anh Lợi đang sống cùng người mẹ mù Lê Thị Chắt. Trở thành nơi nương tựa của 2 người mù không có khả năng lao động, nên tất cả gánh nặng dồn hết lên đôi vai chị. Chị quần quật suốt ngày với việc đồng áng, chăn nuôi và làm thuê làm mướn đủ nghề. Nhờ có bàn tay của chị, cuộc sống của mẹ con anh Lợi từ chỗ phải dựa vào sự cưu mang của xóm làng, lòng trĩu nặng sự tự ti, nay cuộc sống đã bớt cùng cực hơn.

Một năm sau ngày cưới, đứa con đầu lòng Nguyễn Duy Quang Huy của vợ chồng chị chào đời. Cả nhà hạnh phúc đến chảy nước mắt khi đứa trẻ khôi ngô và lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng rồi niềm vui đó chẳng tày gang. Chỉ khoảng nửa năm sau khi lọt lòng mẹ, Huy đang bình thường bỗng suốt ngày khóc không ngớt. Chị đưa con đến bệnh viện khám thì lời của bác sĩ khiến chị rụng rời tay chân: Đứa trẻ mắc bệnh bại não và bị mù mắt, không có cách nào cứu chữa!

Bi kịch ập đến khiến sức khỏe của anh Lợi và bà Chắt suy sụp. Những cực nhọc mưu sinh cộng với nỗi đau tinh thần trước bệnh tật của con khiến chị tưởng mình không còn có thể đứng vững. Tận trong sâu thẳm chị vẫn hy vọng con mình sẽ được cứu, được sống như bao đứa trẻ bình thường. Chị lại quần quật làm thuê tích cóp từng đồng đưa con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu xót xa của bác sĩ.

Gần 2 năm sau ngày Huy mắc bệnh hiểm, chị sinh cháu Hồng. Hồng cũng chào đời khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng lòng chị hằn sâu nỗi lo đến mất ăn mất ngủ vì sợ rồi đứa trẻ cũng sẽ mắc bệnh như anh mình. Và rồi nỗi lo của chị đã trở thành sự thật. Hồng không bị bại não nhưng vừa lên 3 tuổi thì phát bệnh động kinh và mù mắt. Hồng phát bệnh không bao lâu thì Huy qua đời khi trận lũ lớn ập đến bất ngờ nhấn chìm nhà cửa. Một thời gian sau thì mẹ chồng chị cũng khuất núi vì bạo bệnh. Chị không còn nước mắt để khóc, nỗi đau lặn vào trong, hàng ngày gặm nhấm tâm can.

Xua bóng tối

Chị Bồng đang trò chuyện với tôi thì đứa con gái út Nguyễn Hồ Quỳnh Trâm (SN 2007) của chị vừa từ trường về. Năm nay Trâm vào lớp 1. Vừa thấy mẹ, Trâm đã hồn nhiên chìa ra tờ giấy của nhà trường gửi, thông báo khoản đóng góp 700.000 đồng đầu năm học. Mặt chị chợt biến sắc vì âu lo. “Mấy tháng ni làm thuê, trừ chi tiêu và lo thuốc thang cho chồng con, tui mới dành dụm được 300.000 đồng. Chắc phải gặp cô giáo xin khất một thời gian, kiếm đủ tiền rồi nộp”- chị kể.

"Quả thực, nhiều lúc tui tưởng chừng mình đã sức cùng lực kiệt, không thể gắng gượng nổi nữa. Nhưng tình yêu với chồng, tình thương với những đứa con đã đưa lại cho tui sự quyết tâm để không gục ngã”.
Chị Hồ Thị Bồng


Sau một phút lo lắng, đôi mắt chị chợt ánh lên sự hy vọng khi nói về đứa con út. Chị bảo, khi Trâm chào đời cho đến năm 4 tuổi, vợ chồng chị luôn sống trong sợ hãi vì nghĩ Trâm cũng sẽ mắc bệnh hiểm nghèo như anh chị mình. Nhưng may mắn là nỗi lo lắng của vợ chồng chị đã không xảy đến khi đến nay Trâm vẫn không có dấu hiệu nào bất thường. Chị kể, con bé thông minh lắm, vừa chuẩn bị vào lớp 1 mà đã thông thạo gần hết chữ cái và các con số rồi. “Dù cùng cực thế nào đi nữa cũng phải nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Từ bà nội, ba nó cho đến anh chị nó đã không biết đến mặt chữ rồi”- chị bộc bạch.

Nghe chuyện chị cho đứa út đi học, nhiều người hàng xóm đến động viên, nhưng nhiều người khác thì bàn lùi. Sự bàn lùi ấy không phải không có lý khi mà việc kiếm tiền lo cơm áo, thuốc thang cho chồng con đã khiến chị hụt hơi, nay lại thêm chi phí học hành nữa, sợ chị sẽ khuỵu xuống vì kiệt sức. Chị thành thật: “Quả thực, nhiều lúc tui tưởng chừng mình đã sức cùng lực kiệt, không thể gắng gượng nổi nữa. Nhưng tình yêu với chồng, tình thương với những đứa con đã đưa lại cho tui sự quyết tâm để không gục ngã”.

Ngồi nghe vợ trò chuyện, hai khóe mắt của anh Lợi rỉ ra vệt nước mờ đục tự bao giờ. Anh bảo, từ khi ý thức được nỗi khổ mù lòa, anh nghĩ cuộc đời mình sẽ mãi chìm vào bóng đêm vô định, nhưng tình yêu của vợ đã giúp tâm hồn anh hồi sinh. “Tình yêu ấy đã xua đi bóng tối đôi mắt cũng như bóng tối cuộc đời cho tui và những đứa con” - anh Lợi chia sẻ.