Bên lề các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya và người đồng cấp Indonesia, cùng Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) của Ấn Độ chiều 21-7 đã có cuộc trả lời báo giới về các vấn đề liên quan đến phát triển ASEAN.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại hội nghị ASEAN + 3, cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc |
Chào đón Nga - Mỹ tham gia EAS
Về việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ngày 20-7 thống nhất sẽ trình lãnh đạo khối việc mời Mỹ và Nga gắn kết với ASEAN qua cơ chế Cấp cao Đông Á (EAS) mở rộng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya nhấn mạnh, Thái Lan luôn chào đón cả Nga và Mỹ cùng tham gia vào cấu trúc khu vực đang định hình của ASEAN và đặc biệt quan trọng với an ninh và ổn định ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
“Sự hiện diện của Nga và Mỹ có thể đảm bảo an ninh trên biển ở biển Đông và toàn bộ châu Á Thái Bình Dương. Sự tham gia của Mỹ vào EAS là quan trọng, bởi sự tham gia này sẽ tăng cường khả năng giao thương, các nước đang phát triển sẽ được hỗ trợ và việc hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, công nghệ, du lịch... cũng sẽ phát triển tốt hơn”, ông Piromya nói.
Nhận định về sự tham gia EAS của Nga, Bộ trưởng Piromya nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Nga với cách hiện nay là bên đối tác của ASEAN. Ông Piromya cho biết, về mặt địa lý, một nửa đất nước Nga đã nằm ở châu Á nên theo logic Nga cần tham gia EAS.
“EAS là một diễn đàn cấp cao bàn thảo về các vấn đề chiến lược. Với việc gắn kết với Nga-Mỹ, EAS sẽ ngày càng linh hoạt và là nơi để các nhà lãnh đạo cùng trao đổi về việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. ASEAN đã mở cửa với thế giới và đang trở nên mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Piromya khẳng định.
Quan ngại tình hình Myanmar
Trả lời về việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 20-7 đề nghị cử quan sát viên tới Myanmar để giám sát cuộc bầu cử sắp tới tại nước này, cũng như nhận định “quan ngại về tình hình Myanmar” của Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty M. Natalegawa cho biết, trước khi các Bộ trưởng đề nghị cử quan sát viên tới giám sát, Myanmar thông báo sẽ thành lập một ủy ban bầu cử của nước này và thông báo kết quả bầu cử cho ASEAN.
“Đề nghị của các Bộ trưởng không chỉ liên quan đến vấn đề về cơ chế, mà đó còn là sự kết nối giữa Myanmar và sự phát triển của quốc gia này với những chuyển động trong ASEAN”.
Bộ trưởng Natalegawa nhấn mạnh, tại Hội nghị lần này, sẽ rất hữu ích nếu ASEAN tạo điều kiện diễn ra các cuộc đối thoại không chính thức về cuộc đàm phán 6 bên liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Đối với vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, Indonesia ủng hộ tuyên bố của HĐBA LHQ lên án thủ phạm gây ra vụ việc này. Đối với vấn đề Biển Đông, Indonesia ủng hộ và tạo thuận lợi về đối thoại và thông tin đối với các bên quan tâm nhằm ngăn chặn xảy ra xung đột.
Nhiều tiềm năng hợp tác với ASEAN
Bà Latha Reddy - Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) của Ấn Độ cho biết, quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với các nước ASEAN đang phát triển tốt đẹp. Ấn Độ có thể phát triển nhanh hơn so với ASEAN nhưng vẫn còn nhiều điều có thể chia sẻ giữa hai bên để làm thế nào người dân có mức sống tốt, giảm nghèo và khuyến khích sự phát triển khoa học - công nghệ.
Bà Reddy khẳng định: “ASEAN đang là cộng đồng khu vực dẫn đầu trên thế giới và là một tổ chức được thiết lập tốt. Do đó, Ấn Độ nhận thấy có nhiều tiềm năng hợp tác với ASEAN”.
Bà Latha Reddy trả lời báo giới |
Bà Reddy cho biết, mục tiêu hợp tác sắp tới với ASEAn sẽ tập trung vào việc tổ chức hội nghị cấp cao về kinh doanh và triển lãm kinh doanh Ấn Độ - ASEAN đầu năm 2011. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để đạt được hai mục tiêu đó. Ấn Độ cũng thiết lập Quỹ Xanh ASEAN-Ấn Độ và đóng góp vào Quỹ Phát triển ASEAN.
Linh An (ghi)