Nghiên cứu, sản xuất thiết bị cơ khí tại Viện Nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp. |
Tại hội thảo về thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam tổ chức ngày 27-7, Bộ Công Thương cho biết, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển kịp so với nhu cầu của nền kinh tế. Điều này dẫn tới việc nhập siêu ngày càng tăng và giảm sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, tỷ lệ nhập siêu hàng công nghiệp cao (tới 70%) dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm cuối cùng có thể rút khỏi thị trường Việt Nam vì không tìm được nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng tại chỗ, trong khi áp lực chi phí tiền lương ngày càng tăng lên.
Ông SugiYama Hideji - Phó Chủ tịch Ngân hàng Shokochukin của Nhật Bản, cho rằng Việt Nam cần phải xác định ngành công nghiệp nào là trọng điểm. Không nên đầu tư phát triển tràn lan kể cả những ngành công nghiệp không phải thế mạnh. Tuy nhiên, nếu Việt Nam chỉ chú trọng đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghiệp mà bỏ qua sự phát triển của ngành nông nghiệp là một sai lầm lớn.
Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp đang có thế mạnh xuất khẩu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ vẫn là khâu yếu. Nếu Việt Nam tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà máy làm lạnh để bảo quản rau, củ, quả, thực phẩm... sẽ góp phần tạo nên những lợi thế cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Thanh Xuân