Phận nghèo khóTrong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về xã Tam Phú. Bên rừng thông xanh ngắt chạy dài ngút tầm mắt men theo bờ biển là hình ảnh hàng chục phụ nữ với những chiếc cào, quang gánh, bao bì trên tay... đang tiến vào rừng thông.
Những phụ nữ đang cần mẫn với việc thu gom lá thông.
Công việc thu gom lá thông của những phụ nữ nơi đây mới nghe qua cứ tưởng nhàn hạ, nhưng khi tận mắt chứng kiến họ làm việc trong thời tiết nắng nóng, gương mặt ai cũng ướt đẫm mồ hôi, mới biết để kiếm được đồng tiền chẳng dễ dàng chút nào. “Nghề này vất vả lắm! Không có nghề nghiệp gì mới phải đi cào lá thông thế này. Còng lưng thu gom cả ngày mới có được chút tiền, nhiều lúc đau cứng lưng không thể đứng lên được nhưng vẫn phải làm. Không làm nghề này cũng chẳng biết làm gì ra tiền. Những ngày nắng thì còn có thể ra đây thu gom, còn những ngày mưa gió lá thông ướt, thu gom khó, vận chuyển nặng mà giá bán lại thấp nên thu nhập thất thường…” – một phụ nữ gom lá thông nói.
Chị Trương Thị Lực (thôn Phú Bình) – người có thâm niên 6 năm gắn bó với nghề nhặt lá thông than thở: “Nhà nghèo nên phải làm nghề này thôi chú ơi! Vất vả lắm, nhưng không làm thì cũng chẳng biết làm việc gì nữa”. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Chị Lực có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng mất sớm do bệnh hen nên một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học. Trước đây, chồng chị còn có nghề đi biển đánh cá kiếm tiền trang trải cuộc sống, giờ anh đã mất, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của chị với những ngày lặn lội nơi rừng thông.
Mỗi ngày, những phụ nữ gắn bó với nghề thu gom lá thông phải dậy từ rất sớm kéo xe bò ra rừng thông cách xa gần chục km, tới nơi lại phải len lỏi thu gom lá thông khắp cánh rừng rồi chất lên xe chở tới tận nhà người mua.
|
Còn chị Trương Thị Xinh (thôn Phú Đông) thì cho biết: “Gia đình nghèo, lại phải nuôi 4 con ăn học, làm mãi cũng không đủ ăn, mấy năm trở lại đây lá thông cũng có nhiều người mua nên tôi phải ráng làm. Một ngày cố gắng tôi cũng kiếm được trăm ngàn, chắt chiu cũng đủ trang trải cuộc sống…”.
Mặc cho cái nắng như thiêu đốt của ngày hè, những chiếc áo dày cũng ướt đẫm vì mồ hôi, họ vẫn miệt mài lao động. Lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên khuôn mặt sạm đen, chị Nga (thôn Phú Bình) cho biết, chồng chị đi làm phụ hồ với thu nhập thất thường, nhà được 3 sào ruộng nhưng năng suất thấp vì đất đai bạc màu nên thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ăn. Chị có 3 con còn nhỏ, lại phải nuôi mẹ già nên không thể đi làm xa. Công việc thu gom lá thông cũng mang lại thu nhập cho gia đình chị vượt qua khó khăn.
Nghề thu hút phụ nữTheo tìm hiểu của chúng tôi, nghề thu gom lá thông ở Tam Phú có từ khoảng 8 năm trờ lại đây. Lá thông họ thu gom về chủ yếu để bán cho những hộ gia đình làm hến ở thôn Tân Phú dùng làm chất đốt nấu hến. Hiện mỗi ngày tại rừng thông ven biển Tam Tiến có khoảng trên 30 phụ nữ gắn bó với nghề thu gom lá thông. Hầu hết họ là những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở thôn Phú Bình, xã Tam Phú, tuổi đời từ 30 - 50. Các chị cho hay, sở dĩ nam giới không làm việc này vì thu nhập không cao, còn với họ công việc này khá phù hợp vì vừa được làm việc gần nhà, lại có thêm thu nhập.
Được biết nghề thu gom lá thông khá vất vả nhưng cũng mang lại cho những phụ nữ nơi đây một khoản thu nhập đáng kể góp phần phụ giúp cuộc sống gia đình. Một ngày làm việc chăm chỉ cũng mang lại cho họ một khoản thu nhập trên dưới 100.000 đồng. Khoản thu nhập đó tuy không tương xứng với công sức bỏ ra nhưng khá cao so với nhiều nghề khác ở vùng quê nhiều khó khăn này.
Một điều quan trọng hơn, việc thu gom lá của họ giúp cho rừng thông sạch sẽ, không tồn dư lá khô với số lượng lớn, qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng cháy rừng - nhất là vào những ngày hè nắng to...