Dân Việt

Đề xuất cứu trợ ngành cá tra: Doanh nghiệp lợi, nông dân thiệt

03/07/2012 10:44 GMT+7
(Dân Việt) - Về những đề xuất gói kinh phí 9.000 tỷ đồng hay chương trình thu mua tạm trữ giải cứu ngành cá tra, nhiều ý kiến cho rằng những giải pháp này chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp chứ nông dân không được hưởng lợi.

Tạm trữ chỉ có lợi cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam phân tích, do biến động trên thị trường tiêu thụ cá tra diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng khoảng 2 tuần, giá cá từ 22.000 đồng giảm xuống còn 18.000 đồng/kg nên mục tiêu của gói đề xuất Chính phủ hỗ trợ cũng đã thay đổi.

img
Cá tra của các hộ nuôi đang bắt đầu “quá lứa” mà càng để lâu, nông dân càng khó bán.

“Thế cờ đã đổi rồi. Trước thì thị trường xuất khẩu tốt, giờ thị trường EU giảm mạnh, thị trường Mỹ cũng chưa biết ra sao... Các doanh nghiệp (DN) muốn lấy vốn lại nhanh để trả nợ đã hạ giá bán xuống, khiến giá thu mua cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Chính vì thế, gói đề xuất hỗ trợ 9.000 tỷ đồng không còn mục tiêu mua cá để chế biến rồi bán nữa, mà thành mua để DN chế biến tạm trữ” – ông Thắng phân tích.

Trong đề xuất gần đây nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) về một chương trình thu mua tạm trữ 100.000 tấn cá tra trong dân có kiến nghị: DN tham gia thu mua sẽ được hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng 4 tháng với mức giá thu mua tối thiểu phải bằng giá thành sản xuất của nông dân (hiện nay là khoảng 22.000 - 24.000 đồng/kg, tùy nơi). Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep thì đây là giải pháp cấp bách nhất để vực dậy giá cá tra đang xuống thấp.

Thế nhưng, một số nông dân nuôi cá lại không tin tưởng mấy vào giải pháp này. Ông Lê Văn Thủ ở xã Tân An, huyện Tân Châu, An Giang, cho rằng trước giờ người nuôi cá không hề quyết định được giá bán sản phẩm của mình mà tất cả đều do DN thao túng, họ áp giá bao nhiêu thì phải bán bấy nhiêu. Hiện nay, DN lại kêu lỗ và đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn vay 0% để thu mua tạm trữ. “Cách làm này cũng giống như bên lúa gạo, có khác chăng là bên lúa gạo nông dân còn được lãi 30%, bên đây thì mua bằng giá thành, tức chỉ có DN được hưởng lợi, còn nông dân chúng tôi chẳng được lợi lộc gì trong việc này” – ông Thủ chua xót.

Cứu người phải cứu liền tay

Không chỉ không được hưởng lợi, mà ông Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang còn cảnh báo một thực trạng rằng cá tra hiện nay trong dân đã lớn, nhiều nơi đã bắt đầu “quá lứa” (trên 1kg/con). Nếu Nhà nước cứu chậm theo kiểu còn đợi “đề xuất rồi trình lên chờ duyệt” mất 1 - 2 tháng cá càng quá lứa thì khi ấy DN dù đã được rót tiền cũng sẽ không mua vì không xuất khẩu được.

“Trước đây, thị trường xuất khẩu cá quá lứa được quy định từ 1,2 - 1,5 kg/con, nhưng nay người ta chỉ ăn size nhỏ nên cá 0,9 - 1 kg/con trở lên được xem đã quá lứa. Mà cá tra thì không thể ngừng cho ăn một ngày nào, nên nếu muốn cứu thì Nhà nước phải cứu ngay lập tức chứ không thì nông dân chết hết” – ông Nguyên lo âu.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc đề xuất gói hỗ trợ thu mua tạm trữ để cứu cá tra là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Dương Nghĩa Quốc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, để tiền rót xuống “đúng người, đúng việc” thì việc chọn DN nào được hỗ trợ hoặc tham gia mua tạm trữ phải được xét duyệt kỹ càng và giám sát chặt chẽ.

Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt của Vasep, cho rằng để tránh tình trạng DN dùng nguồn tiền được hỗ trợ thanh toán nợ cũ hoặc đầu tư sai mục đích, các ngân hàng sẽ không giải ngân cho DN mà thanh toán trực tiếp cho nông dân khi DN có hợp đồng mua cá.

“Nếu mua bằng giá thành, tức chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi, còn nông dân chúng tôi chẳng được lợi gì trong việc này”.

Đó là biện pháp cấp cứu trước mắt, còn dài hơi hơn cần phải chấn chỉnh, sắp xếp lại lực lượng các DN xuất khẩu. “Thực chất để xảy ra tình trạng như hôm nay một phần nguyên nhân cũng chính là do DN bán phá giá hoặc chơi nhau theo kiểu DN lớn “nuốt” DN bé. Điều cần thiết hiện nay là phải xác định lại nhu cầu thị trường để từ đó điều chỉnh, quy hoạch lại nguồn cung trong nước cho phù hợp, tránh việc đầu tư ồ ạt vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến cá tra, trong khi việc tìm hiểu thị trường và xúc tiến thương mại chưa được chuẩn bị kỹ càng như lâu nay” – ông Quốc nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty Cafatex, thì giải pháp ngăn chặn tình trạng DN bán phá giá lẫn nhau rồi quay sang ép giá nông dân trong nước là phải áp dụng giá sàn trong xuất khẩu một cách quyết liệt và có sự chế tài mạnh mẽ mới mong hiệu quả.