Dân Việt

Tập đoàn làm sai, dân chịu thiệt

04/07/2012 08:34 GMT+7
(Dân Việt) - Xung quanh việc tăng giá điện từ 1.7, tòa soạn đã nhận nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

EVN đầu tư không đúng mục đích, để thất thoát vốn dẫn đến công nghệ của ngành điện trở nên lạc hậu, làm giá thành tăng cao. Toàn bộ những sai trái đó giờ lại đổ ngược về phía nhân dân, những người góp từng đồng cho EVN làm vốn. Ngành điện bấy lâu nay vẫn kêu ca là lỗ, không có lãi. Lỗ sao ngành điện có tiền đầu tư tài chính, làm ngân hàng và viễn thông nữa? Lỗ mà lương nhân viên ngành điện cao hơn nhiều lần so với các ngành khác?

Theo dõi kỳ họp Quốc hội, tôi thấy Quốc hội rất quan tâm đến đề nghị của cử tri, nhưng sao vừa họp xong Bộ Công Thương lại cho điều chỉnh giá điện ngay? Trong khi việc công khai cơ cấu giá ngành điện chưa làm, tình hình kinh tế đất nước đang giảm phát, nguy cơ hàng ngàn doanh nghiệp sẽ tiếp tục phá sản, vậy mà lại tiếp tục tăng giá điện. Đây là việc làm không thể cho là đúng tầm. Theo tôi, ngành điện cần công khai các chi phí đầu vào, cơ cấu giá thành và lỗ lãi song song với mỗi lần điều chỉnh giá điện.

Điện là đầu vào cơ bản của hàng loạt các ngành kinh tế, từ sản xuất đến dịch vụ. Giá điện tăng thì giá sắt thép, xi măng, phân bón... tăng; giá phân bón tăng thì kéo theo chi phí sản xuất ra hạt gạo của nông dân tăng... Đất nước chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thì lại phải đối đầu với ngành điện, điện tăng giá sẽ làm cho mọi vật giá leo thang, từ đó chắc chắn kinh tế sẽ bị chững lại. Về lâu dài, cần sớm chấm dứt tính độc quyền của ngành điện lực, tạo môi trường cạnh tranh phục vụ thông thoáng để người dân và các doanh nghiệp yên tâm sản xuất và nâng cao đời sống.

Ngay thời buổi kinh tế thị trường lại vẫn có mặt hàng ế mà lại đắt. Điều tưởng như nghịch lý ấy đã chính thức xuất hiện từ 1.7.2012, khi giá điện tăng lên. Chúng ta đồng cảm với những khó khăn của ngành điện, cũng thông cảm với lý do "lỗ chính sách" mà EVN đưa ra. Nhưng, có bao nhiêu phần trăm đúng trong lý do đó khi nhiều công trình thủy điện ở các vùng núi trơ ra vì không bán được điện cho EVN. Có lẽ "lỗ chính sách" của EVN vừa qua là lỗ vì không bán chứ không phải vì giá thấp, để đến bây giờ tổng kết lại nó là mặt hàng duy nhất lỗ mà lại đắt.