Dân Việt

Chính thức đóng cửa chợ trời lớn nhất châu Âu

02/08/2010 09:01 GMT+7
(Dân Việt) - Đúng 24 giờ ngày 1-8, khu chợ trời lớn nhất châu Âu tại thủ đô Vacsava, Ba Lan chính thức bị xóa sổ trước sự tiếc nuối và hụt hẫng của hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều người Việt sinh sống tại đây.

 “Quả trứng vàng” của người Việt

Sau 20 năm tồn tại, khu chợ trời ở sân vận động thứ 10 được coi là “quả trứng vàng” của bao thế hệ người Việt tại Ba Lan đã bị đóng cửa vĩnh viễn, nhường chỗ cho một khu quần thể giải trí-thể thao mọc lên.

Nhiều người Việt khi mới đặt chân đến xứ sở bạch dương đều bắt đầu từ khu chợ trời dẫu hai bàn tay trắng. Sau bao nhiêu năm, những thế hệ người Việt kinh doanh ban đầu giờ đã trở về nước hoặc chuyển sang làm ăn quy mô lớn tại các khu thương mại của thủ đô Vacsava. Chợ trời lại trở thành địa điểm buôn bán lý tưởng cho những người Việt ít vốn mới đặt chân đến Vacsava.

img
Chợ trời lớn nhất châu Âu giờ chỉ còn là kỷ niệm của người Việt tại Ba Lan.

Những nhật báo hàng đầu Ba Lan ngày 1-8 đã đưa tin về sự kiện đóng cửa chợ trời Sân vận động với những quan ngại được đặt ra với các tiểu thương người Việt. Tờ Abyznews cho rằng, đóng cửa chợ trời, đồng nghĩa với việc khép lại cơ hội kinh doanh của hàng ngàn người Việt tại đây.

Báo Abyz cũng cho rằng, với người dân Ba Lan khu chợ sân vận động từ nhiều năm nay đã được đóng khung với hình ảnh của những tiểu thương người Việt cần mẫn, chăm chỉ. Từ những cửa hàng tạm bợ được dựng lên từ 20 năm trước, đến nay, chợ trời sân vận động đã được xây dựng thành 3 khu bán hàng rộng lớn gồm khu chợ chính, khu đường tàu và bãi đỗ xe. Nhiều cửa hàng của người Việt đã đổi chủ đến 5, 6 lần.

Theo trang web Laura Palmer.pl, vào những năm của cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, chợ trời Sân vận động đã trở thành “quả trứng vàng” của rất nhiều tiểu thương người Việt. Vào thời điểm đó, những công hàng từ Việt Nam, Trung Quốc của thương gia người Việt chiếm đa phần tại các hải cảng của Ba Lan.

Sau nhiều năm, những chủ hàng người Việt có máu mặt ở chợ trời đã di chuyển “căn cứ” kinh doanh đến những khu trung tâm thương mại sầm uất và họ cho thuê lại cửa hàng tại chợ trời với giá từ 20 đến 40.000USD/1năm.

Một thế hệ tiểu thương người Việt mới cũng đã thành công tại khu chợ trời, nhưng vài năm trở lại đây, công việc buôn bán tại chợ trời gặp nhiều khó khăn do nhiều khu trung tâm thương mại sầm uất mọc lên. Đến thời điểm xóa sổ chợ trời, có không ít tiểu thương người Việt vừa chân ướt chân ráo mang theo một khoản nợ lớn ở Việt Nam để có được chuyến bay đến Vacsava.

“Để mai tính”

Được thông báo trước một tháng để di chuyển hàng hóa ra khỏi khu chợ, nhưng đa phần thương nhân Việt vẫn trở tay không kịp khi hạn chót đến gần. Ai nấy cũng hi vọng vớt vát rằng, sẽ có một thông báo thay đổi, nhưng tất cả chỉ là hi vọng.

Đến đêm tối 31-7, vẫn còn nhiều người Việt vật lộn với những xe hàng chất đống. Nhiều người trước đó đã bán tống bán tháo hàng để mong thu hồi vốn, số còn lại phải vứt bỏ hàng hóa vì chuyển đi không kịp.

Khi được hỏi sẽ làm gì khi chợ trời đóng cửa, nhiều người Việt không dấu nổi buồn bã. Chị Huyền Thanh- chủ cửa hàng quần áo bò ở kiot số 9 cho biết, chị đã đăng ký kinh doanh tại khu chợ bán lẻ ở ngoại ô Vacsava nhưng tình hình ở chợ đó rất khó khăn chưa biết công việc buôn bán ngày mai sẽ thế nào. Chị Huyền Thanh thở dài: “thôi để mai tính, đến đâu thì đến thôi”.

Theo trang web của Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho đến lúc này, hầu hết những người kinh doanh trên sân đã đăng ký ở những nơi mới. Nhiều người vào Wolka Kosowska đi chợ đêm ở Trung tâm ASEANPL 2. Những người khác vào Trung tâm Maximus, vào chợ mới ở Marynarska hoặc đi các chợ lẻ.

Chợ trời Châu Âu chính là khu đất trống vây quanh “Sân Vận Động thứ 10” được xây cách đây 20 năm. Là sân vận động nhưng rốt cuộc, các hoạt động thể thao ở đây không mang lại ấn tượng gì sau khi trở thành địa điểm bán hàng lý tưởng kể từ những năm đầu thập niên 90. Đối với người Việt "lên Sân” nghĩa là "ra chợ bán hàng".