Các tầng đá cổ Nili Fossae mà các nhà khoa học đã phát hiện ra trên sao Hỏa có nhiều điểm tương đồng với đá ở Australia. |
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện loại đá cổ Nili Fossae trên bề mặt của sao Hỏa, được cho là gần như giống hệt với đá trong khu vực Pilbara ở phía tây bắc Australia - nơi đang lưu giữ những bằng chứng sớm nhất về sự sống trên Trái đất.
Những phát hiện này là bằng chứng cho thấy, có thể có các sinh vật sống trên sao Hỏa khoảng 4 tỷ năm trước, và bị chôn trên bề mặt của hành tinh.
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra đá Nili Fossae chứa cacbonat vào năm 2008. Đến hôm nay họ nghiên cứu được các loại đá cổ xưa này trên sao Hỏa và đá tại Australia có nhiều khoáng chất tương tự.
Phát hiện mới này rất quan trọng trong việc đi tìm lời giải có sự sống trên sao Hỏa hay không, bởi vì đá ở Pilbara, Australia được sử dụng để nghiên cứu sự sống trên Trái đất 3,5 tỷ năm trước đây.
Những hóa thạch lưu giữ lịch sử Trái đất đang nằm ở Hamersley Gorge, Pilbara, Australia. |
Tiến sĩ Adrian Brown – người nghiên cứu chính nói: "Các lớp đá ở Pilbara rất mát mẻ. Nơi đây đang lưu giữ ¾ lịch sử của Trái đất trên bề mặt của nó. Nó giúp chúng tôi nghiên cứu và tìm ra sự thật những gì đã xảy ra trên Trái đất từ thuở hồng hoang”.
Tiến sĩ Adrian Brown cho biết thêm, các loại đá Nili Fossae trên sao Hỏa cũng đã có bốn tỷ năm tuổi, như vậy nó cũng đang lưu giữ ¾ lịch sử của sao Hỏa và chính các liên kết hoạt động thủy nhiệt có thể đã cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động sinh học vào thời kỳ đầu trên sao Hỏa tại Nili Fossae.
Để có được những kết quả quan trọng này, các nhà khoa học đã sử dụng ánh sáng hông ngoại từ công cụ Mars Reconnaissance Orbiter của NASA để nghiên cứu núi đá Nili Fossae.
Các phát hiện quan trọng trong nghiên cứu này sẽ được mô tả chi tiết trên số báo sắp tới của tạp chí Khoa học Trái Đất và Các Hành Tinh (Journal Earth and Planetary Science Letters).
Xuân Trang