Trong hai ngày cuối tuần qua, các vệ tinh của NASA đã ghi nhận một số chấn động bất thường xung quanh Mặt Trời. Trong khi đó, các nhà thiên văn học trên khắp thế giới cũng đã chứng kiến một quầng sáng khổng lồ xuất hiện sau khi một "điểm đen Mặt Trời" có kích thước lớn bằng Trái Đất nổ tung, dự kiến sẽ kéo theo hiệu ứng phun trào trên khắp bề mặt Mặt Trời.
Bão từ được hình thành sau một vụ nổ tại điểm đen Mặt Trời |
Điều đáng quan ngại là, vụ nổ điểm đen lại hướng về Trái Đất nên có thể sẽ gây ra một trận bão Mặt Trời (bão từ) cực mạnh lan ra hàng trăm triệu km trong vũ trụ.
Tạp chí "Nhà khoa học" cho biết, vệ tinh đã ghi lại sóng chấn động đang lan tỏa mạnh trong không gian, tạo ra trận bão từ cực mạnh dự kiến sẽ hướng về phía Trái Đất trong ngày hôm nay, 3-8.
Giới khoa học lo ngại rằng, trận bão Mặt Trời này sẽ phá hủy các vệ tinh, làm tê liệt hệ thống điện và thông tin liên lạc khắp toàn cầu nếu nó tấn công Trái đất theo như dự kiến.
Theo cảnh báo của NASA, hệ thống điện của nước Anh có thể bị ảnh hưởng mạnh nhất, trong khi tín hiệu thông tin liên lạc dự kiến sẽ bị gián đoạn trong thời gian dài. Tuy nhiên NASA vẫn chưa thể ước tính được sức tác động của trận bão lên hệ thống thông tin liên lạc trên toàn thế giới.
Tháng Sáu vừa qua, NASA từng cảnh báo Trái Đất sẽ hứng chịu "năm đại họa" sau khi một trận bão từ cực mạnh sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc sống trên Trái Đất vào năm 2013.
Theo đó, vào năm 2013, sau một "giấc ngủ say", Mặt Trời sẽ “tỉnh giấc” và bước vào giai đoạn hoạt động mạnh, tạo nên những cơn bão từ siêu lớn tấn công Trái Đất. Sức mạnh của trận bão từ này có thể tương đương với sức công phá của 100 quả bom hydro.
L.A