Nông dân Phụng Hiệp (Hậu Giang) thu hoạch vụ mía vừa qua. |
Bán mía non vì sợ lỗ
Theo ông Nguyễn Thành Tài, nông dân trồng hơn 5 công mía ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), ngày 2-8 ông đã bán phân nửa số mía "xuống giống sớm" của mình với giá 600 đồng/kg. Mía của ông chỉ đạt độ 6 chữ đường (CCS), nên giá thấp hơn cùng kỳ tới gần 200 đồng/kg. Với việc bán số mía non này ông Tài chịu mất tới gần 12 triệu đồng lợi nhuận. Ông lý giải: "Chấp nhận lời ít một chút cho chắc ăn. Chứ nếu để cầm cự thêm 2 tháng nữa, mía đủ chữ đường mà giá rớt như mấy vụ trước thì lỗ nặng!".
Theo ghi nhận của NTNN ngày 3-8, vùng mía Phụng Hiệp (lớn nhất cả khu vực ĐBSCL hiện nay với hơn 13.000ha), đã bắt đầu xuất hiện tình trạng nông dân nôn nóng vì lo giá mía sụt giảm không phanh, nên bán mía non chuyển sang trồng rẫy… Đối tượng thu mua mía chủ yếu là các cơ sở thủ công quy mô nhỏ còn sót lại của vùng, chủ yếu phục vụ nhu cầu đường vàng, đường chảy "tự tiêu"…
Một cán bộ ngành nông nghiệp của huyện này cho biết, năm nào cũng có hiện tượng bán mía non như vậy, nhưng bán sớm như năm nay có dấu hiệu bất thường.
Anh này lý giải: "Việc bà con bán sớm cũng có phần nguyên nhân là do lo ngại thông tin Bộ Công Thương cho nhập số lượng đường khá lớn vào sẽ làm giá đường trong nước giảm mạnh, kéo theo giá mía nguyên liệu thời gian tới cũng sẽ giảm… giống như quy luật hàng năm!". Tuy số lượng hộ bán mía non chưa nhiều, nhưng hiện tượng này một lần nữa làm dấy lên nỗi lo tranh mua - tranh bán và tình trạng nâng giá, giành giật vì thiếu nguyên liệu giữa các nhà máy…
Cùng lúc đó, nhiều người trồng mía ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng ngần ngại khi tái sản xuất vụ mía mới, dù bà con vừa trải qua vụ mía "trúng mùa được giá" khi bán được mía cuối vụ trên 1.400 đồng/kg (cao nhất trong lịch sử mía đường Việt Nam - PV).
Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vụ này Cù Lao Dung sẽ đạt gần 9.000ha mía. Phần lớn diện tích phục vụ nguyên liệu thời điểm chuyển vụ, được bao tiêu bởi 2 nhà máy đường thuộc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) và Công ty CP Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khoảng 15% hộ chưa chịu xuống giống cho 1.000ha vì lo ngại giá mía sẽ "tuột dốc không phanh" (!).
Ông Lê Văn Sơn (xã Đại Ân 1), nói: "Năm nào cũng vậy, hễ đầu vụ cho nhập đường là cuối vụ giá mía rớt te tua. Tui ngán cảnh này lắm rồi… Có khi bỏ đất trống hoặc trồng tạm mấy loại hoa màu ngắn ngày cho qua vụ, còn đỡ khổ hơn làm mía!".
Trồng "tự phát" bị ảnh hưởng!
Chiều 3-8, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: Đến lúc này toàn bộ diện tích gần 13.000ha bao tiêu của công ty đã xuống giống gần như dứt điểm và mía đang phát triển đúng tiến độ. Ngoài ra, CASUCO cũng vừa ký bao tiêu 100% diện tích mía ở các vùng Gò Quau (Kiên Giang), Vị Thanh (Hậu Giang)… Hiện tượng một số nơi bà con bán mía non, chưa đủ độ chín không xảy ra trong vùng nguyên liệu, vì thực chất giá bán hiện tại không cao hơn giá bao tiêu của công ty là bao.
Ông Long khẳng định: "Chúng tôi bao tiêu mía cho nông dân mức giá sàn 600 đồng/kg, loại mía 10CCS mua tại nhà máy. Còn khi giá thị trường tăng lên, chúng tôi sẽ mua với giá thị trường… Cách làm này nhiều năm qua luôn đảm bảo lợi ích ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp".
Ngành NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Hầu hết diện tích thu hoạch mía non hiện nay tập trung ở khu vực ngoài quy hoạch. Loại mía này thường được nông dân bán cho các lò đường thủ công và làm nước mía. Theo thống kê sơ bộ, hiện mỗi ngày nông dân Phụng Hiệp bán khoảng 200 tấn mía (non) cho các nhu cầu nói trên. Cơ quan này cũng đang cử cán bộ khuyến nông ở địa phương kiểm tra và khuyến cáo bà con không nên bán mía non vì chất lượng không đạt, giá không cao…
Trong khi đó, các ngành chức năng ở Cù Lao Dung cũng đưa ra nhận định: Đa số hộ chần chừ không xuống giống vụ mía mới là nằm ngoài danh sách bao tiêu của các công ty (!). Lý giải vấn đề này, một cán bộ nông nghiệp ở đây, nói: "Bà con trồng tự phát, khi giá xuống thấp, mía sẽ tồn ứ dẫn đến thua lỗ nặng nề... Mà cứ sau một hoặc hai vụ giá cao như vừa qua, y như rằng vụ tiếp theo sẽ rớt giá, nên bà con rất thận trọng. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con ký hợp đồng bao tiêu với các nhà máy để đảm bảo lợi ích lâu dài!".
Quốc Huy