Dân Việt

Bắt đầu xuất khẩu cá nóc

06/08/2010 07:07 GMT+7
(Dân Việt) - Việc thu mua, chế biến cá nóc xuất khẩu chỉ được thực hiện thí điểm tại khu công nghiệp cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang và được cơ quan chức năng quản lý nghiêm ngặt, không để xảy ra tác hại xấu.
img
Cá nóc được tận thu sẽ giúp ngư dân có thêm thu nhập.

Sau khi được Chính phủ cho phép làm thí điểm, tỉnh Kiên Giang đang tích cực phối hợp với đối tác từ Hàn Quốc để khai thác, chế biến, xuất khẩu cá nóc. Hoạt động này sẽ đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể và giúp hàng ngàn lao động tỉnh này có thêm thu nhập.

Mỗi năm khai thác 10.000 tấn cá nóc

Ở Việt Nam, cá nóc hiện có khoảng 40 loài với trữ lượng ước tính khoảng 37.387 tấn, lâu nay cá nóc chưa được khai thác bằng các ngư cụ chuyên biệt mà chúng thường lẫn trong các mẻ lưới khai thác với số lượng chiếm khoảng 2-6% trong sản lượng hải sản khai thác được. Riêng tại vùng biển Kiên Giang sản lượng cá nóc khai thác được khoảng 6.000 - 10.000 tấn/năm.

Toàn bộ cá nóc khai thác được ngư dân bỏ ngay trên biển hoặc đem về đất liền làm thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc tiêu thụ lén lút với giá thấp. Trong khi đó, nhờ nắm được kỹ thuật tách lọc chất độc ra khỏi cá, biến cá độc thành món ăn cao cấp, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu cá nóc với số lượng lớn từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Bà Nguyễn Ngọc Phượng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Để thực hiện đề án “Thí điểm mở rộng và nâng cao về khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc”, tỉnh Kiên Giang giao cho 2 đơn vị chế biến và xuất khẩu cá nóc; 4 cơ sở thu mua, bảo quản và vận chuyển cá nóc tại cảng cá Khu công nghiệp Tắc Cậu, nằm tại địa phận huyện Châu Thành. Các công ty chế biến chỉ được giao nhận, thực hiện hợp đồng xuất khẩu cá nóc với Công ty Korea poseidon seafood co. ltd (Hàn Quốc).

Ba loại cá nóc được thu mua gồm cá nóc xanh, cá nóc bạc và cá nóc răng mỏ chim với trọng lượng từ 200 - 700gram mỗi con. Việc đánh bắt, chế biến cá nóc được phía công ty Hàn Quốc đào tạo huấn luyện bài bản.

Chấm dứt việc mua bán lén lút

Ngày 5-8, tiếp xúc với phóng viên, ngư dân Dương Văn Mun - chủ tàu đánh cá ở thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương cho biết: “Khi nghe thông tin cho phép bán cá nóc ngư dân chúng tôi rất vui mừng. Bởi vì cá nóc được tận thu để trang trải các khoản chi phí khác. Trước đây khi gặp cá nóc ngư dân thường bỏ ngay tại biển hoặc đem về bán cá phân (làm thức ăn gia súc – PV) với giá rẻ mạt”.

Ngư phủ Nguyễn Thanh Tý cũng ở thị trấn Ba Hòn cho hay: “Cá nóc ăn rất ngon nên trước đây ngư phủ thường chọn những con to để chế biến làm khô hay ăn cá tươi ngay trên tàu. Do chưa biết nhiều về kỹ thuật chế biến nên nhiều người đã bị ngộ độc, có người bị tử vong do ăn phải cá nóc độc… Nhà nước quan tâm định hướng, hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng cho ngư dân là việc làm hết sức có ý nghĩa”.

Theo phản ánh của nhiều ngư dân ở Kiên Giang, hiện nay ngư trường ở khu vực tỉnh Kiên Giang đang vào mùa cá nóc. Vì vậy ngay từ bây giờ ngư dân có thể trữ cá nóc ngay trên tàu rồi đem vào cảng cá bán hoặc bán cho các tàu khác chở vào đất liền. Nhiều người đánh bắt cá tỏ ra rất vui mừng vì họ có thể bán cá nóc công khai chứ không phải lén lút chế biến và tiêu thụ như trước đây.

Quản lý nghiêm ngặt

img Chỉ có các doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ mới được quyền thu mua, chế biến và xuất khẩu trực tiếp mặt hàng này theo yêu cầu của phía đối tác, ngoài ra, không một cá nhân, doanh nghiệp nào khác được thu mua, chế biến và xuất khẩu. img

Ông Lâm Hoàng Sa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Ông Cao Hương Thiên- Giám đốc Công ty TNHH Mai Sao (đơn vị được phép xuất khẩu cá nóc) cho biết: “Sau khi được công ty phía Hàn Quốc tập huấn kỹ thuật, công ty chúng tôi sẽ tiến hành thu mua và chế biến sản phẩm đáp ứng yêu cầu của đơn vị nhập khẩu. Ngoài ra, đối tác Hàn Quốc cũng sẽ cử 2 kỹ sư trực tiếp đến công ty để hỗ trợ kỹ thuật trong thu mua, chế biến cá nóc”.

Ông Lâm Hoàng Sa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Chính phủ chỉ cho phép thực hiện đề án thí điểm ở 2 tỉnh là Khánh Hòa và Kiên Giang. Đây cũng là điều kiện để tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho ngư dân… Vì vậy trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin trong và ngoài tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân là chỉ được phép xuất khẩu 3 loại cá nóc theo yêu cầu của nhà nhập khẩu”.

Ông Sa cũng nhấn mạnh: Chỉ có các doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ mới được quyền thu mua, chế biến và xuất khẩu trực tiếp mặt hàng này theo yêu cầu của phía đối tác, ngoài ra, không một cá nhân, doanh nghiệp nào khác được thu mua, chế biến và xuất khẩu. Việc thu mua, chế biến cá nóc xuất khẩu chỉ được thực hiện thí điểm tại khu công nghiệp cảng cá Tắc Cậu và được cơ quan chức năng quản lý nghiêm ngặt, không để xảy ra tác hại xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.