Dân Việt

Làm chặt để tránh chết người

06/08/2010 22:22 GMT+7
(Dân Việt) - Để việc xuất khẩu cá nóc trở nên thuận lợi và bền vững, không gây hại cho người sử dụng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cá nóc là cá độc, đã từng làm chết hàng chục người mỗi năm, và đã bị Chính phủ Việt Nam cấm khai thác, chế biến, kinh doanh từ năm 2003. Tuy nhiên, nếu biết cách chế biến để loại bỏ độc tố, cá nóc sẽ trở thành món ăn đặc sản, giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua, các nhà nhập khẩu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã tìm đến Việt Nam đặt hàng loài cá độc này. Trước tình hình đó, Hội Nghề cá Việt Nam đã xây dựng đề án “Thí điểm mở rộng và nâng cao về khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc” và được Chính phủ thông qua.

Trao đổi với NTNN chiều 4-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho hay: “Dự kiến có 5 tỉnh làm thí điểm đầu tiên, nhưng Chính phủ chỉ chọn 2 tỉnh là Kiên Giang và Khánh Hoà bởi hai tỉnh này có đầy đủ các điều kiện để xuất khẩu, sản lượng nhiều nhất, các doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh, cơ sở vật chất phát triển. Mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 1-2 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu”.

Để việc xuất khẩu cá nóc trở nên thuận lợi và bền vững, không gây hại cho người sử dụng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm thí điểm không tốt thì việc xuất khẩu cá nóc sẽ không được triển khai rộng.

Theo đề án ban đầu của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2010 - 2012, chế biến cá nóc sẽ đạt sản lượng khoảng 800 - 1.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 4 - 10 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho 600 - 1.000 lao động.