Dân Việt

Nát lòng vì con

06/08/2010 05:25 GMT+7
(Dân Việt) - Do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, 4 người con của 2 cựu du kích ở buôn Krăi (xã Ia Rbol, thị xã A Yun Pa, Gia Lai) đã phát bệnh điên. Tình cảnh của những nạn nhân này khiến ai chứng kiến không khỏi rơi nước mắt...
img
Bà HLắt trước căn chòi nhốt con gái HNhơn.

Xích con cho bớt tội tình

…Một nửa vách trái ngôi nhà bị phá toang hoác. Từ đường nhìn vào đã thấy “con ma rừng” Nay Nhang tóc cợp ngang vai, trần truồng xoay quanh sợi xích, miệng không ngơi la hét. Ông Ksor Ngôt ngồi bó gối thu lu một góc nhà, giương đôi mắt mờ đục nhìn con đau đớn mà bất lực…

“Đã 4 năm nay rồi, không đêm nào tôi yên giấc - ông Ksor Ngôt kể, giọng như vương nước mắt - Nhà có 3 đứa con, 2 gái đã lấy chồng sớm, còn thằng út này là niềm hy vọng. Nó cao to, đẹp trai lại học giỏi, vậy mà đang dở học kỳ một, thầy hiệu trưởng gọi tôi lên bảo nó bị điên. Thật như có ai liệng hòn đá vào nhà!”...

img Cái khổ chắt bóp từng bữa vậy, nếu có phép gì cho đổi cái khổ nuôi ba người điên thì hơn một trăm lần thế cũng ưng. Nuôi đứa con nít địu sau lưng đói còn biết khóc, dỗ còn biết nín chứ chúng nó cứ như cục đá, có còn tính gì của con người nữa đâu! img

Bà HLắt

Ông Ngôt kể, thấy bệnh con mình mỗi ngày một nặng, ông đi xem bói. Thầy cúng Nay Hlang bảo, nó bị con ma núi Chư Dú bắt, phải cúng mới hết được… Lần thứ nhất cúng 1 con heo với 7 ghè rượu. Không khỏi, hỏi, “thầy” lại bảo: Con ma này chắc thích thằng Nay Nhang đẹp, có chữ.

Phải cúng nữa nó mới chịu… Lại cúng. Có lúc phải đưa đồ lễ vào tận núi Chư Dú. 10 lần cúng hết 10 con heo với 70 ghè rượu, ấy thế mà con ma rừng vẫn không buông tha, nó lại làm cho thằng Nhang điên nặng thêm. Bắt đầu nó phá nhà mình, rồi đi phá nhà người.

Mà phá nhà người ta, theo lệ phải đền bằng lễ cúng nhà mới. Ngôt phải mất 1 con bò, 1 con dê, 1 con heo. Kiệt sức, không còn cách nào khác ông phải xích nó lại. Bây giờ thì Yàng cho sống ngày nào chỉ còn biết ngồi nhìn nó mà thôi…

Một tiếng hét chói tai bất chợt của Nhang khiến tôi giật mình. Biết hiệu, ông Ksor Ngôt lập cập cầm lon nước lết lại. Cách Nhang chừng hai bước chân, ông lấy chiếc que cột lon nước giơ tới đổ vào chiếc bình để sẵn bên Nhang. Cậu ta lập tức quay ngoắt lại nhìn cha dữ tợn.

Ông Ngôt hốt hoảng lết về chỗ cũ. “Không dám lại gần nó đâu. Cho ăn cơm phải đưa bằng sào. Cho tắm thì đứng xa mà tạt nước. Lại gần, nó mà túm được thì chết. Một lần sơ ý, nó túm được bóp cổ cho lè lưỡi ra, may có người đi qua thấy giằng ra được…

Cái lạ, nó mất thần kinh mà sao không bao giờ nói tiếng Jrai, chỉ nói tiếng Kinh với tiếng… Anh thôi. Rồi suốt ngày nó cứ lải nhải cốt với sin gì gì. Có người bảo, hay là nó điên vì cái chữ? Cũng có lúc đã tin như thế. Gần đây xem TV mới ngẫm được ra, chắc là nó bị ảnh hưởng chất độc da cam đó thôi…” - ông Ngôt tâm sự.

Nỗi đau tím ruột bầm gan

…Căn nhà lợp ván theo lối nhà dài truyền thống chốt cửa im ỉm. Cách đây chưa lâu nó còn là nơi cả gia đình quây quần sớm tối, vậy mà… Từ khi buôn Krăi mở con đường chạy sát bên hông nhà thì Nay HNhơn – con gái thứ 2 của ông Ksor Dot phát điên. Đi coi bói, thầy cúng bảo, tại con đường nên con ma rừng mới theo về làm HNhơn điên.

Muốn nó tha thì phải cúng… Nhà chỉ có một con trâu làm vốn nhưng cũng không thể quý hơn con người được. Ma, người cùng say hết con trâu nhưng bệnh HNhơn đã chẳng đỡ thì chớ, lại kéo thêm Nay Nơm – con trai đầu của Ksor điên theo. Hai mùa rẫy sau đến lượt Nay Nhung - thằng út đang học lớp 11 với Nay Nhang nhà ông Ngôt cũng điên nốt.

Vậy là 6 đứa con thì 3 đứa đã điên. Cứ ở nhà cũ không chừng con ma làm cả nhà điên hết, ông Dot đành làm thêm hai nhà nữa: Một để ông với 3 đứa con lành; một để vợ với bà già và hai thằng điên ở. Còn con Nay HNhơn thì nhốt riêng ở cái chòi cạnh chuồng bò. Ngoài lý do để chúng khỏi chọc phá người lành, còn vì một chuyện đau lòng khác…

img
Ông Ksor Ngôt đau đớn và bất lực bên đứa con điên dại.

Nay HNhơn - đứa con gái bị điên đầu tiên đó, đã học đến lớp 9, lại đẹp gái. Lúc bệnh vào thời kỳ nặng, nó la hét, phá phách suốt ngày. Quần áo cứ mặc vào nó lại xé vứt đi. Bà HLắt đành phải xích vào cột nhà, không cho ra ngoài nữa. Rồi đến thằng Nay Nơm bị điên. Nó đi lang thang trong làng, thấy heo gà người ta thả rông là đuổi đâm cho kỳ chết mang về nướng ăn. Bà HLắt đành phải xích.

Được một thời gian nó đỡ, thấy thương bà tháo xích cho nó. Và thế là chuyện đau lòng xảy ra: Nó mất trí giao cấu với em gái mình. Mãi tới khi HNhơn có chửa, bà HLắt mới biết. Đau như có ai cầm dao cứa vào bụng nhưng chuyện đã xảy ra rồi, bà HLắt đành cắn răng giấu mọi người cho đến khi HNhơn đẻ. Cũng chẳng biết nên vui hay buồn khi đứa bé ra đời được hơn tháng thì chết yểu. Từ hôm đó HNhơn bị đem nhốt riêng vào chòi, chỉ bà HLắt qua lại chăm sóc…

Chiều nhập nhoạng, vợ chồng Ksor Dot mới từ rẫy về. Đến cổng nhà, ông sựng lại một thoáng rồi đi từng bước như đếm. Tôi có cảm giác ông muốn kéo dài cái khoảnh khắc phải đối mặt với nỗi đau hiện hữu…

Hệ lụy chiến tranh

Ksor Ngôt tham gia du kích xã từ năm 1967 cho đến khi đất nước thống nhất. 8 năm ở căn cứ H37 ông là tiểu đội trưởng, chỉ huy 10 du kích vừa đánh địch vừa sản xuất lương thực tiếp tế cho bộ đội. Ông bảo, cứ mỗi lần địch rải chất độc hoá học là tiểu đội du kích của ông phải chạy ngay ra rẫy chặt ngang thân cây mì.

Không kịp, chất độc sẽ theo thân ngấm xuống, củ đắng không ăn được. Song cũng không ít lần phải ăn cả củ đã ngấm thuốc đắng ngắt ngơ… Quãng thời gian đi du kích, ông vẫn chưa được hưởng chế độ, hiện chỉ được trợ cấp người tàn tật 120.000 đồng/tháng; con được 180.000 đồng nữa, cả thảy là 300.000 đồng/tháng.

Nguồn sống của ba con người chỉ trông chờ vào đó… “Nhà kiệt hết vì cúng, vì đền cho người ta rồi. Chỉ còn một con bò dành lại đó, lỡ mình chết thì có cái cúng ma thôi!” – Ksor Ngôt nghẹn ngào…

Cũng như Ksor Ngôt, câu chuyện về thời trai trẻ dường như có làm Ksor Dot vui lên đôi chút. Dot tham gia du kích xã từ những năm 1962, cùng ở căn cứ H37 như Ksor Ngôt – nghĩa là cũng nếm đủ mùi đạn bom, chất độc hoá học như đồng đội. Hơn thế, ông còn mang vết thương trên người…

Chưa làm được chế độ thương binh, hiện Ksor Dot chỉ được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam tháng hơn 1 triệu đồng. Ba người điên được tổng cộng hơn 700 nghìn đồng nữa. Nhà chỉ có mỗi sào ruộng nước, nguồn sống của đôi vợ chồng già, ba đứa con điên, một mẹ già bại liệt xem như trông cậy hết vào đó…

Chiều muộn, nhịp điệu êm đềm sau một ngày rẫy nương đã lại đến với buôn Krăi. Cách nhau chỉ mấy chục mét, từ bên này tôi vẫn nghe tiếng la hét của Nay Nhang từ nhà Ksor Ngôt vọng sang. Nay Nhưng bỗng bật lên một tràng cười. Tôi sửng sốt không hiểu cậu ta cười gì. Một chút nhận thức bất chợt loé lên trong cái vô thức ấy chăng? Cũng có thể lắm. Con người ta mỗi bản thể là mỗi thế giới riêng, nhưng tất cả đều giống nhau nơi tiếng cười và tiếng khóc…