Dệt lụa tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). |
Cơ hội nhiều
Theo bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ hướng tới mục tiêu xúc tiến xuất khẩu, phát triển và nâng cao chất lượng ngành thủ công mỹ nghệ mà còn chú trọng đến việc quảng bá văn hóa truyền thống của các làng nghề Hà Nội. Bởi đây cũng là cơ hội để các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ hàng thủ công mỹ nghệ nước ngoài, các tổ chức lữ hành trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch làng nghề.
Theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương Hà Nội, Thủ đô hiện có tới 1.264 làng nghề, trong đó có tới 530 làng nghề truyền thống. Làng nghề Hà Nội không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về loại hình, thuận tiện về giao thông. Ngoài ra, Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của đất nước, du khách trong nước và quốc tế đến du lịch rất đông. Những yếu tố này khiến du lịch làng nghề Hà Nội sẽ rất phát triển.
TS. Dương Văn Sáu (ĐH Văn hóa Hà Nội) cho rằng, du lịch làng nghề đã tạo ra quá trình xuất khẩu tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như cung ứng các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, du lịch làng nghề có thể làm xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm thương hiệu các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
Ngoài ra, các làng nghề truyền thống cũng có nguy cơ phải đối mặt với sự biến đổi nhanh chóng lối sống, nếp sống truyền thống do sự giao thương mạnh mẽ, lượng rác thải tăng nhanh... khiến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Gắn du lịch với thẩm thấu văn hoá Việt
Theo TS. Dương Văn Sáu, khi tổ chức các tour du lịch làng nghề cho khách quốc tế phải giúp cho họ thẩm nhận được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng nghề. Trong mỗi chương trình tham quan, cần mời những người cao tuổi, các nghệ nhân tham gia hướng dẫn, thuyết minh cho du khách về nguồn gốc ngành nghề, các tổ sư, tổ nghề của làng, các công đoạn và bí quyết sản xuất gắn với các sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Ngoài ra cần xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường và môi trường du lịch.
Theo các chuyên gia, để tổ chức du lịch, các cơ quan chức năng cần quy hoạch, tổ chức lại các làng nghề, đa dạng hóa ngành nghề, nhưng phải tạo ra được sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và du lịch cần được triển khai mạnh mẽ.
Hiện các làng nghề đã bắt đầu trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tại Việt Nam. Nhiều làng nghề tạo ra được sự thu hút đặc biệt đối với khách du lịch. Tuy nhiên, kỹ năng của những người dân làng nghề đối với loại hình du lịch này còn hạn chế.
Vì vậy, chương trình tập huấn kỹ năng du lịch vừa được triển khai trước mắt tại 5 làng nghề Vân Hà, Hạ Thái, Bát Tràng, Chuôn Ngọ, Phú Vinh với tổng số người dân được tập huấn hơn 200 người. Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Khoa Du lịch, Viện ĐH Mở Hà Nội cho biết, qua đợt tập huấn, người dân làng nghề đã nắm bắt được một số kiến thức sơ lược và cơ bản về cách thức tiếp đón và ứng xử với du khách. Đồng thời, người dân cũng nhận thức được những lợi ích khi triển khai sản phẩm du lịch làng nghề, về văn hóa du lịch.
Mai Hương - Hồng Thư