Dân Việt

Nước trở thành quyền con người

09/08/2010 11:17 GMT+7
(Dân Việt) - 122 phiếu thuận, 41 phiếu trắng và không có phiếu chống, tuần qua, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết khẳng định tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh căn bản là quyền con người.
img
Nhiều địa phương, người dân chưa được tiếp cận với nước sạch.

Gần 900 triệu người chưa tiếp cận nước sạch

Cho đến nay, trong khi tầm quan trọng của thực phẩm đã được công nhận bằng cách xem là quyền con người thì việc tiếp cận nước sạch chưa phải là một quyền chính thức. Thiếu sót này đã được sửa chữa, khi Đại hội đồng LHQ chính thức tuyên bố nước và điều kiện vệ sinh như là một quyền con người, là điều kiện thiết yếu để thụ hưởng đầy đủ cuộc sống cũng như tất cả các quyền con người khác.

Trước đó, một nghị quyết tuyên bố tiếp cận với nước và hệ thống xử lý nước được đề xuất bởi Bolivia và đồng tài trợ của 33 quốc gia.

Việc LHQ thông qua nghị quyết về quyền tiếp cận nước sạch của con người, là sự thể hiện mối quan tâm sâu sắc, vì cho đến nay vẫn còn 884 triệu người thiếu tiếp cận với nước uống an toàn và hơn 2,6 tỷ người không có điều kiện vệ sinh cơ bản; vẫn còn 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,43 triệu em ở độ tuổi đến trường bị chết mỗi năm, do các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường.

Một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới nói rằng, đến năm 2030, nhu cầu toàn cầu đối với nước sẽ vượt quá mức cung cấp đến 40%.

Việc thông qua nghị quyết cũng nhắc lại những cam kết của các nhà lãnh đạo chính trị thế giới khi đề cập trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đến năm 2015, sẽ giảm một nửa tỷ lệ người dân không thể tiếp cận hoặc có được nguồn nước uống an toàn và giảm một nửa tỷ lệ người dân không có điều kiện vệ sinh cơ bản, theo thỏa thuận trong Kế hoạch Hành động Johannesburg.

“Nước trở thành quyền con người”

Ông Maude Barlaw - cố vấn cao cấp về nước của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ cho rằng, vấn đề nước đụng chạm đến đời sống của hàng tỷ người mỗi ngày và thế giới cần một tín hiệu rõ ràng rằng nước là một vấn đề ưu tiên cao nhất. Ông Barlow nói: "Khi Tuyên bố nhân quyền toàn cầu năm 1948 được viết, không ai có thể đoán trước rằng đến một ngày khi nước sẽ là một lĩnh vực tranh chấp.

Nhưng vào năm 2010, không cường điệu khi nói rằng, việc thiếu tiếp cận nước sạch là vi phạm nhân quyền lớn nhất trên thế giới. Gần hai tỷ người sống trong các khu vực căng thẳng về nước và ba tỷ người không có nước dùng trong vòng một km từ ngôi nhà của họ. Cứ 8 giây có một trẻ em chết do bệnh truyền qua đường nước, trong khi có thể phòng ngừa được nếu được tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh đầy đủ".

Nguyên nhân của sự khan hiếm nước có nhiều, trong đó có việc chặt cây rừng đã gây nguy hại cho lưu vực sông và gây xói mòn đất làm bịt kín các con sông; nước ngầm bị cạn kiệt nghiêm trọng vì nước được lấy lên cho nông nghiệp và công nghiệp.

Nhiều quốc gia bao gồm Ấn Độ Trung Quốc, Nga và Mỹ đang bị suy kiệt nước ngầm. Rất nhiều mặt nước cũng bị ô nhiễm và không thể dùng, hoặc nếu được sử dụng, nước bị ô nhiễm sẽ gây ra vấn đề sức khỏe. Thêm nữa, các nguồn cung cấp nước cũng đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu đang gây ra một sự tan chảy nhanh của các sông băng và sông băng sẽ có ít hơn trong tương lai.

Cùng với việc thông qua nghị quyết, LHQ đã đưa ra lời kêu gọi các nước thành viên và các tổ chức quốc tế tài trợ tài chính và hỗ trợ công nghệ giúp các nước nghèo có thể đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn cũng như các điều kiện vệ sinh tối thiểu cho mọi người dân.